Cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề “Khát vọng đại dương xanh” diễn ra 19h00 tối 28/6 tại Hà Nội và Khánh Hòa là chương trình nằm trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 đến 8/6). Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giao cho Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội thực hiện.

Tham dự và chỉ đạo chương trình có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng đến giao lưu, chia sẻ kiến thức và tình yêu biển, đảo, cũng như triển vọng về phát triển kinh tế biển.

Tại buổi cầu truyền hình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: “Biển và đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt trái đất, là cái nôi của sự sống, mang lại nguồn tài nguyên, vật chất và tinh thần vô cùng to lớn cho nhân loại, là huyết mạch giao thương quốc tế, cửa ngõ kết nối, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển hòa bình, thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc”. Trên cơ sở đó, Thủ tướng khẳng định và cam kết, Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chung tay với cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu về biển và đại dương, đặc biệt trong bảo vệ môi trường, thác hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn lợi kinh tế biển, góp phẩn bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho người dân, gắn với bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Theo Thủ tướng, biển và đại dương đang phải đối mặt với thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống chưa từng có, như cướp biển, buôn lậu, những hành động đơn phương vi phạm pháp luật quốc tế, biến đổi khí hậu, việc khai thác tài nguyên biển quá mức. Hệ sinh thái, môi trường bị suy thoái, ô nhiễm, nhất là rác thải nhựa. Điều đó gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cả trước mắt và lâu dài đối với nhân loại, có thể đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia, dân tộc và cộng đồng dân cư. Minh chứng là nhiều lần đại dương nổi giận vì cách cư xử của con người. Bao nhiêu loài sinh vật biển quý hiếm đã vĩnh viễn ra đi mãi mãi. Tình trạng này vẫn còn tiếp diễn. Nhiều loài còn tiếp tục biến mất nếu chúng ta không hành động kịp thời, hiệu quả.

Để thực hiện “Khát vọng đại dương xanh” vì hòa bình và phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần khẩn trương thiết lập và triển khai cơ chế hợp tác khu vực, toàn cầu; chia sẻ dữ liệu, củng cố, hoàn thiện chính sách về bảo tồn các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên biển bền vững một cách thực chất, hiệu quả, đi đôi với bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển.

Thứ hai, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh trên biển, trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế, nhất là hiến chương, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; tôn trọng chủ quyền, lợi ích và các hoạt động kinh tế hợp pháp, chính đáng của các quốc gia

Thứ ba, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không trên biển; tuân thủ về các cơ chế hợp tác nghề cá trên thế giới mà các nước ven biển là thành viên; tuân thủ các nguyên tắc của quy chuẩn ứng xử cho nghề cá, có trách nhiệm của tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc.