Gần 40 năm lấy chồng, sinh con nhưng chưa Tết nào bà Lê Thị Xuyên ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định được thảnh thơi. Ở tuổi ngoài 60, bà Xuyên vẫn duy trì sạp hàng ở chợ. Mặt hàng hương bài thắp ngày Tết do bà tự tay làm từ rễ cây hương nên rất đắt khách. Bà nói Tết là dịp nghỉ nhưng chả năm nào bà được nghỉ đúng nghĩa. “Bận lắm, nhà bác bận cho đến ngày 30, rỗi được đúng ngày mùng 1. Phụ nữ ở quê nói thật đầu tắt mặt tối. Ngày 30 Tết bán hàng xong là về gói bánh chưng. Việc gì cũng phụ nữ làm hết từ dọn dẹp nhà, rửa bát hương, chợ búa…Đàn ông nhàn lắm, chỉ chơi, tiếp khách, trà lá, đi nhà nọ nhà kia”, bà Xuyên chia sẻ.

Xuân sang, Tết đến ai cũng mong thu vén thật nhanh mọi việc, để lo nhà cửa gọn gàng, cái gì cũ của năm cũ không dùng nữa thì bỏ đi, đến đồ vật, đồ ăn cũng mới. “Chỉ có công việc và sự bận rộn dành cho mình là cũ”, chị Thanh Hà ở Hà Nam buột miệng nói về Tết của gia đình như vậy. Đến quán làm tóc, chị Hà vẫn không ngừng tay lướt điện thoại đặt mua hàng. Ba năm về làm dâu bên chồng, tháng cuối năm, ngày nghỉ nào chị cũng lên xe từ Hà Nội về quê dọn dẹp, sắm sửa dần. Ngày Tết chị Hà chỉ xoay quanh cỗ bàn, dọn dẹp mà chẳng có thời gian dành cho mình. Biết rằng không bận không phải là Tết, nó là không khí là hương vị để người ta nhớ và mong mỗi dịp đoàn tụ. Thế nhưng cơ hội được chơi Tết, được thảnh thơi ngày nghỉ bao năm qua vẫn không chia đều cho tất cả.

Từ trước tới nay, khi nói đến những công việc liên quan đến Tết từ mua sắm lương thực, thực phẩm, quà biếu hai bên nội ngoại đến nấu nướng, đi chợ, chế biến, dọn dẹp…nhiều người thường mặc định đó là những công việc của chị em phụ nữ. Ngay từ những tháng cuối năm nhiều chị em đã phải lo tính toán, tích trữ thực phẩm để dành cho Tết. Nhiều gia đình cứ Tết là phải quây quần, sum họp cùng nhau ăn uống, chị em lại phải lo ngày ba bữa cỗ, nấu nướng, bày ra, dọn vào như một vòng tròn lặp đi lặp lại trong những ngày Tết. Điều này khiến nhiều chị em cảm thấy áp lực nhất là với những người mới làm dâu hoặc dâu trưởng.

Theo chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn, phụ nữ trước nay vẫn được coi là nội tướng trong gia đình vì vậy hãy chủ động thay đổi. "Không phải bất cứ điều gì truyền thống để lại cũng đều tốt đẹp, phải biết gạn đục khơi trong những gì không còn phù hợp với điều kiện ngày nay chúng ta có thể chủ động thay đổi. Với những phụ nữ không quá say mê với công việc nhà nên biết chia sẻ đừng đợi người chồng tự giác, phải biết phân công công việc cho từng thành viên trong gia đình, phải biết sai vặt, tạo việc làm cho đàn ông, không nên chiều chồng quá khiến các ông “rảnh rỗi sinh nông nổi”, chuyên gia Đinh Đoàn nói.

Để tránh cho chị em những áp lực trong ngày Tết, những thành viên trong gia đình nhất là người chồng cần phải biết cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ trước những công việc mà chị em phải gánh vác.

Chúng ta hạnh phúc, vui vẻ sao được khi có một người nào đó phải hy sinh, phải chịu thiệt thòi. Ngày Tết, mỗi người một tay một chân, việc nặng hóa nhẹ, những việc nào không cần thiết thì không cần làm, đơn giản gọn nhẹ. Ngày trước là ăn Tết nhưng bây giờ là chơi Tết. Ngày Tết hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi.

Cũng theo chuyên gia Đinh Đoàn, ngày Tết chị em dành quá nhiều thời gian cho những việc lặt vặt nên không còn thời gian để chăm sóc bản thân. Chị em phụ nữ hãy là những cây cảnh đẹp nhất trong gia đình. Nhân dịp đầu Xuân, chuyên gia Đinh Đoàn gửi tặng chị em mấy câu thơ: “Thân hình của mẹ cha cho/ Khổ đau hạnh phúc, đói no tại mình” và “Đêm khuya rồi nhằm mắt ngủ đi em/Ngoài kia trời sương rơi lạnh lắm/Nhớ đắp thêm chăn giữ mình cho ấm/Phải biết thương mình trước khi biết thương ai”.

Tết năm nào cũng có, nhưng nếu năm nào cũng bị trói buộc bởi những ám ảnh không tên thì chẳng người phụ nữ nào thấy vui vẻ, hào hứng với Tết nữa. Tết là phải vui, thế nên chị em thay vì phải tất bật tổ chức, chuẩn bị Tết, hãy giản lược bớt. Cái nào bỏ được cứ mạnh dạn bỏ, cái nào đơn giản được cứ đơn giản để dành thời gian vui vẻ, nghỉ ngơi bên gia đình./.

Mời nghe chương trình tại đây: