Với người dân Hà Nội, dù là người Hà Nội gốc, vài thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hay với những người đã chọn Hà Nội làm nơi lập nghiệp, thì những không gian công cộng như công viên, khu vui chơi, quảng trường, vỉa hè, sân chung của khu tập thể… có những nét rất riêng, tạo nên những tình cảm gắn bó khá sâu sắc với họ.
Các không gian công cộng gắn với đời sống hàng ngày của người dân, giúp cho sự gắn kết và duy trì sự bền vững xã hội và văn hoá cho Hà Nội. Không gian công cộng không những để nghỉ ngơi, thư giãn, mà còn là không gian để kết nối và duy trì sự bền vững xã hội và bền vững văn hoá. Những năm gần đây, chủ trương của Hà Nội là cải tạo tốt các vườn hoa, công viên dể người dân có được những không gian công cộng xanh, sạch và nhiều tiện ích. Những cư dân của phường Trung Tự và Nam Đồng quận Đống Đa, chia sẻ từ ngày vườn hoa Nam Đồng được chỉnh trang, bờ kè được sửa sang, người dân đã dành nhiều thời gian ra khu vực công cộng hơn, tinh thần được thoải mái, sự gắn kết cư dân cũng thêm chặt chẽ.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Hà Nội đã có nhiều thay đổi, chung cư mọc lên nhiều hơn. Mặc dù đô thị nhìn hiện đại hơn nhưng không gian công cộng của thành phố đang chịu nhiều sức ép từ các mục đích sử dụng khác như bãi đỗ xe, các hoạt động mưu sinh hoặc việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị.
Xu hướng tư nhân hóa không gian công cộng diễn ra ngày càng phổ biến trong thời kỳ kinh tế thị trường hiện nay. Hình ảnh các công viên vui chơi trở thành nơi bán hàng trà nước, vỉa hè trở thành bãi đỗ xe, lòng đường là nơi họp chợ… không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Những công trình không gian công cộng xuống cấp, chuyển đổi không đúng mục đích sử dụng còn rất nhiều, khiến chúng trở thành những “bãi rác” giữa lòng các khu dân cư. Công viên Tuổi trẻ tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng là một ví dụ.
“Bên cạnh việc vận động tháo dỡ các công trình xuống cấp, các công ty tư nhân nếu không tuân thủ theo quy định, phường sẽ tiến hành cưỡng chế để trả lại không gian công cộng cho người dân”, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn, khẳng định.
Công viên, bờ hồ là các khoảng không gian quan trọng dành cho sinh hoạt cộng đồng, nơi lưu giữ những ký ức, cảm xúc Hà Nội vốn dĩ đã hiếm hoi nay đang dần có nguy cơ biến mất nếu không được chú ý và giữ gìn.
Hà Nội hiện có gần 50 công viên, vườn hoa đang xuống cấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là sự lấn chiếm trái phép của các hoạt động dân sinh, làm mất đi công năng sinh hoạt chung. Nhiều công viên biến thành nơi cho thuê đất, kho xưởng, nhà hàng, bến bãi khiến người dân mất đi những không gian sinh hoạt chung. Mặc dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc để xử lý, nhưng do tồn tại lâu năm, nên quá trình khắc phục tạo hiệu quả thấp.
Không gian công cộng, dù là địa điểm di sản hay đơn giản chỉ là sân chơi cho trẻ em phải là “tài sản văn hoá” của người dân. Những “tài sản văn hoá” này bị mất đi cũng đồng nghĩa với việc các mối quan hệ giữa những người dân sinh sống ở Hà Nội trở nên lỏng lẻo.
“Chúng ta cần rà soát những quy định về công viên, không gian công cộng, sau đó giao cho các tổ dân cư xung quanh công viên quản lý. Nhà nước chỉ đầu tư, còn quản lý phải là người dân, người dân phải là chủ thể thụ hưởng và quản lý những không gian công cộng này”- KTS Đào Ngọc Nghiêm, nêu ý kiến.
Cũng phải nhìn nhận rằng nhiều địa phương tại Thủ đô đã làm tốt việc tạo không gian công cộng cho người dân. Từ những công viên bị bỏ hoang, những bãi đất trống, mảnh sân khu chung cư đều đã trở thành những câu lạc bộ nhảy, erobic, yoga, là vườn hoa của khu dân cư… đã khiến cho cộng đồng trở nên gắn kết với nhau hơn. Qua sinh hoạt tại không gian công cộng người dân cũng dần dần có ý thức hơn trong việc lên tiếng và cùng bảo vệ, xây dựng không gian cộng đồng của mình. Vườn hoa Long Biên, khu phố đi bộ ẩm thực Ngũ Xã, hay việc phá bỏ hàng rào công viên Thống Nhất, chính là những minh chứng cho việc người dân thụ hưởng và chung trách nhiệm với các không gian công cộng.
Người dân Thủ đô phải là chủ thể và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng các không gian công cộng. Điều này cần thể hiện qua ý thức của người dân trong việc góp phần cùng chính quyền nâng cao môi trường đô thị, gắn kết cư dân bằng những hoạt động vui, khoẻ, lành mạnh vì một Hà Nội đáng sống hơn.