Nem rán, thịt đông, gà luộc, cá kho, giò xào, giò lụa… nhẩm lại thực đơn cho mâm cỗ Tết, bà Nguyễn Thu Hoa (Ba Đình, Hà Nội) tính toán vậy là gần đủ, chỉ còn các món xào, canh nữa là trọn vẹn. Bà chia sẻ, thường bà sẽ là “bếp trưởng” còn con gái, con dâu là phụ bếp. Các món sau khi chế biến xong sẽ được chia đều cho các gia đình nhỏ mang về. Vì thế, căn bếp những ngày này lúc nào cũng rộn ràng.

“Đây là truyền thống từ mẹ tôi để lại. Ngày ấy, chị em chúng tôi lúc nào cũng háo hức vào bếp phụ giúp mẹ. Tôi đặc biệt ấn tượng nhất là mẹ dạy tôi món xào thập cẩm, gồm mực khô xào với trứng và giò thái nhỏ. Đến giờ này vẫn duy trì như là một món truyền thống của gia đình”, bà Hoa nói.

Vì thế chỉ cần hương thơm của xào nấu là đã thấy vị của Tết. Chị Trương Thu Huyền (con gái bà Hoa) cho biết: mặc dù công việc bận rộn nhưng gia đình vẫn theo tục lệ các cụ để lại là làm mâm cơm dâng lên gia tiên và thần linh, thổ địa, mong rằng năm mới gia đình và toàn thể người thân được mạnh khỏe bình an.

Cũng vẫn giữ những món ăn truyền thống trên mâm cỗ Tết nhưng vì gia đình có con nhỏ, lại chỉ có 4 người nên chị Nguyễn Thu Hà (ở Trương Định, Hà Nội) lại có sự thay đổi nho nhỏ. Đó là sáng tạo thêm một số món ăn và điều chỉnh gia giảm cho những món truyền thống. Chẳng hạn thay vì măng nấu chân giò mỡ ngấy tôi chuyển thành măng nấu mọc, rồi có thêm món tôm, nem thì có năm làm cả nem hải sản cũng là một sự thay đổi nhẹ…

Bằng cách như vậy, hương vị Tết truyền thống vẹn nguyên nhưng vẫn có thêm một sự gần gũi với khẩu vị của các thành viên để các thế hệ trong gia đình đều được thưởng thức trọn vẹn.

Người ta thường nói, mâm cỗ ngày Tết miền Bắc cầu kỳ và tinh tế, miền Trung đơn giản và chân thành, còn mâm cỗ ngày Tết miền Nam phóng khoáng, không quá câu nệ hình thức… Đây là những đặc trưng cơ bản của văn hóa ẩm thực ba miền và được thể hiện rất rõ nét qua mẫm cỗ Tết.

Cùng với thời gian, mâm cỗ Tết của mỗi gia đình có đôi chút thay đổi, chẳng hạn như: có thêm loại nước chấm, nước sốt mới, bổ sung món đồ nguội hay không dừng lại ở nguyên tắc 4 bát, 4 đĩa mà thịnh soạn hơn rất nhiều… Nhưng chúng ta đều cảm nhận, dù có “biến tấu” thế nào thì ý nghĩa của mâm cỗ Tết vẫn vẹn nguyên là nét ẩm thực quan trọng nhất, chứa đựng văn hóa của gia đình và vùng đất nơi ta sinh sống.

Đầu bếp Nguyễn Phương Hải gợi ý, có thể ngày mùng 1 Tết sẽ là một mâm cỗ trọn vị truyền thống nhưng đến ngày mùng 2 Tết đổi sang bún riêu cá, riêu cua hoặc làm lẩu.

“Nấu ăn ko có đúng sai, làm cỗ cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, khẩu vị. Cùng với việc giữ truyền thống chúng ta cũng có thể sáng tạo, phát huy”, đầu bếp Phương Hải cho biết.