Chạy đua thời gian 2 ngày cắt điện

Từ 7h sáng, dọc dài các vị trí đường dây 500kV Quảng Ninh - Mông Dương, những tốp công nhân, kỹ sư của truyền tải điện Đông Bắc 1 (thuộc Công ty Truyền tải điện 1) chuẩn bị dụng cụ cho ngày làm việc.

Ông Phạm Minh Khôi - Phó Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 1 cho biết, họ có 02 ngày để hoàn thành việc kiểm tra sửa chữa trên toàn tuyến, nhưng mục tiêu là ngày đầu tiên phải hoàn thành gần hết bởi vị trí và tình thế đặc biệt của đường dây này.

"Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương một năm cắt điện một đợt từ 15-20 ngày để bảo dưỡng lò máy thiết bị đảm bảo cho một năm tiếp theo. Đồng thời với đó, đơn vị sẽ xin cắt điện lần lượt 2 đường dây, mỗi đường dây 2 ngày để kiểm tra toàn tuyến" - ông Khôi nói.

Khu vực này nhiều mỏ than nên thiết bị thường dính bụi than, bụi dầu của nhà máy. Trong 02 ngày cắt điện, đơn vị phải lập phương án biện pháp tổ chức thi công hợp lý. "Công việc nào cần ưu tiên sẽ làm trước để đảm bảo trong ngày đầu tiên chúng tôi phải giải quyết hết các nguy cơ có thể dẫn đến sự cố gián đoạn cung cấp điện" - lãnh đạo Truyền tải điện Đông Bắc 1 khẳng định.

Nghe phóng sự tại đây:

Đường dây 500kV Quảng Ninh-Mông Dương được khởi công xây dựng ngày 24/12/2012 do nhà thầu Nhiệt điện Mông Dương 2 đảm nhận đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng, khai thác và chuyển giao). Tháng 4/2014 đường dây dài 25,2km đã đóng điện và đưa vào vận hành. Việc khớp lịch trình cắt điện với nhà máy Nhiệt điện Mông Dương đòi hỏi phòng kỹ thuật phải xây dựng phương án khoa học và nhân lực tập trung. Ông Khôi cho biết đơn vị đã huy động 4 đội truyền tải điện với khoảng 50 người tham gia đồng thời trên toàn tuyến.

"Chúng tôi tiến hành sửa chữa lau cách điện vệ sinh và kiểm tra phụ kiện tuyến đường dây. Hiện tại đường dây cắt điện một mạch nên vẫn còn cảm ứng điện. Hơn nữa, tuyến này có những cột ở vị trí cao, đi lại khó khăn" - Anh Hoàng Ngọc Khải - Đội truyền tải điện Đầm Hà cho biết, nếu gặp mưa anh em sẽ nghỉ nhưng sau đó sẽ làm tăng thời gian và khối lượng công việc để đảm bảo trong 02 ngày hoàn thành phần việc đã đề ra.

Tập trung phòng chống sạt lở

Truyền tải điện Đông Bắc 1 quản lý 6 trạm biến áp với tổng công suất 3200 MVA . Khối lượng các tuyến đường dây có 39 đường dây (10 đường dây 500kV và 29 đường dây 220kV) với tổng chiều dài 1.093,34km/1.409 cột. Ông Phạm Minh Khôi cho biết, gần 80% các tuyến đường dây đi qua các khu vực đồi núi cao và rừng rậm. Các đường dây và trạm biến áp được đấu nối với 10 Nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 8.133MW.

Chuẩn bị ứng phó với nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ, Truyền tải điện Đông Bắc 1 đã chủ động lập phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Căn cứ trên phương án đó, đơn vị chuẩn bị các phương tiện dụng cụ, thiết bị vật tư đảm bảo theo phương án được duyệt.

Ông Phạm Minh Khôi cho biết, đối với vị trí cột có nguy cơ sạt lở dẫn đến sự cố ngừng cung cấp điện, đơn vị đã có kế hoạch kiểm tra thường xuyên. "Trong thời điểm mưa bão đơn vị bố trí chốt trực để kịp thời ứng phó và phân công nhiệm vụ trong Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của đơn vị, từ cấp đơn vị đến tổ đội có đầy đủ thông tin liên lạc, sẵn sàng kịp thời tiếp nhận thông tin".

Anh Lê Trọng Nam - Đội trưởng đội Truyền tải điện Đầm Hà cho biết, năm nay ảnh hưởng bởi hiệu ứng thời tiết El Nino, tần suất sét đánh vào đường dây nhiều hơn. Thêm vào đó hiện tượng mưa lũ cộng với địa chất bị biến đổi do các hầm mỏ khai thác than dẫn đến tình trạng sạt lở ở những vị trí đồi núi cao.

"Có những vị trí chúng tôi phải quan tâm đặc biệt, tuần một lần. Vị trí sạt lở móng cột, nghiêng, cong thanh giằng, phải thường xuyên kiểm tra, tăng gấp đôi so với các đợt khác" - anh Nam nói.

Đơn vị đã thường xuyên khơi thông vị trí mương thoát nước, kiểm tra hệ thống ta-luy, kè, xem có hiện tượng nứt, sạt lở, đổ vào móng cột, gây nghiêng đổ cột. Đồng thời với việc kiểm tra sửa chữa, truyền tải điện Đông Bắc 1 cũng đang tiến hành khắc phục những điểm sạt lở hoặc có nguy cơ cao để đảm bảo an toàn trụ điện, đường dây./.