Ngày 5/1, Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thống kê báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia các năm gần đây cho thấy, mỗi năm có khoảng 1800-2000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô tô.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm vẫn còn ở mức thấp, chỉ 52%. Đáng chú ý, còn tình trạng hiểu không đúng về trẻ em dưới 6 tuổi không cần đội mũ bảo hiểm; không phạt người lớn chở trẻ em dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm trên xe máy; cũng chưa có quy chuẩn về mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi…

Từ thực trạng này, nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô mỗi năm.

Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đề ra một số chính sách bảo vệ, bảo đảm an toàn cho trẻ em, như quy tắc an toàn của trẻ em trên ô tô; trách nhiệm của người đi bộ với trẻ em tham gia giao thông; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh…

Về cơ bản, những quy định mới này được đánh giá là tiến bộ, là bước tiến quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ trẻ em trong hệ thống pháp luật nước ta; đồng thời trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, thương tích khi tham gia giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, các chuyên gia tham gia tọa đàm đều cho rằng, một số nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ an toàn cho trẻ em.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam kiến nghị nâng độ tuổi trẻ không nên được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông từ 10 tuổi lên 12 tuổi vì đây là nhóm trẻ còn đang ở độ tuổi nhỏ, hiếu động, chưa được tiếp cận với các kiến thức về an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, chính sách nhà nước đang phổ cập mẫu giáo và tiểu học, hơn 95% trẻ em trong độ tuổi này thường xuyên tham gia giao thông.

"Trẻ nhỏ dễ bị sai tư thế vào thời điểm túi khí bung ra nên có thể bị chấn thương nghiêm trọng. Như vậy nhóm trẻ em từ 10 đến 12 tuổi cũng không nên ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho nhóm trẻ này", bà Hòa kiến nghị.

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu kiến nghị, trẻ em cao dưới 150 cm và dưới 12 tuổi phải được chở trên xe ô tô con cá nhân bằng thiết bị an toàn dành cho trẻ em; Xe ô tô cá nhân phải có các thiết kế thông dụng để lắp đặt sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em (Luật Đường bộ); Bổ sung mức xử phạt trong Nghị định, với mức phạt ít nhất từ 4-6 triệu đồng với hành vi không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp khi chở trẻ em trên xe ô tô con cá nhân nhằm bảo đảm mức phạt cao hơn 2-3 lần so với việc tuân thủ...

Đồng thời, các đại biểu kiến nghị, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ xem xét quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm ở trẻ em khi tham gia giao thông, kể cả trẻ dưới 6 tuổi; tăng cường thực thi pháp luật đối với việc đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, không đúng cách; kiểm soát và chia sẻ thông tin về chất lượng mũ bảo hiểm…

Tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với lứa tuổi 4 - 15 tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm vẫn còn ở mức thấp, chỉ 52%.

Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách về phòng chống chấn thương năm 2021, chỉ 1,3% xe ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó tỷ lệ này ở Hà nội là 2,6%, TP. Hồ Chí Minh 1,1%, Đà Nẵng 0%. Hầu hết người dùng do đã quen sử dụng khi ở nước ngoài.