Chuẩn bị kỹ lưỡng, phân bổ thời gian hợp lý

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Hơn nữa, đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, cho nên cần phải nhìn lại các kết quả đã đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ cũng như đề ra những phương thức, hành động để cuối nhiệm kỳ đạt được mục tiêu đã đặt ra. Vì vậy, kỳ họp yêu cầu phải có góc nhìn toàn diện, tổng quát và phải có những giải pháp không chỉ trước mắt mà còn là những giải pháp có tính chất dài hạn cho các giai đoạn cuối của nhiệm kỳ.

Do đó, Quốc hội đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cách thức tổ chức, về phân bổ thời gian kỳ họp cũng như thời gian họp hội trường, họp tổ… cùng với đó, các đại biểu đã phát huy cao tinh thần "Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm".

“Kỳ họp thành công tốt đẹp là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong quá trình chuẩn bị cho kỳ họp cũng như việc thiết kế chương trình kỳ họp cũng có những cải tiến, đổi mới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, có nhiều phiên thảo luận trên 140 đại biểu đăng ký thảo luận, phiên chất vấn cũng có phiên trên 100 người tham gia, đây là điều mà chưa có kỳ họp nào có được”, đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đánh giá.

Một trong những đổi mới tại kỳ họp lần này là, tổ chức thành 2 đợt họp tập trung: đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6, đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 24/6 và có thời gian nghỉ giữa kỳ họp kéo dài 1 tuần.

Theo đại biểu Rơ Châm H′Phik – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, khoảng thời gian nghỉ giữa hai đợt đảm bảo cho các cơ quan tham mưu giúp việc của Quốc hội và cơ quan trình văn bản lập pháp, nghị quyết của Quốc hội được tiếp thu một cách đầy đủ, thấu đáo, thận trọng đối với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội và tìm được sự đồng thuận thống nhất cao đối với các dự án Luật. Đồng thời, nghiên cứu và rà soát kỹ lưỡng giúp các dự án Luật được thực hiện chặt chẽ và khả thi hơn khi Luật được ban hành.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn: Bám sát, nhìn thẳng, trả lời trực diện

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV diễn ra trong 2,5 ngày tập trung vào 4 nhóm vấn đề trong lĩnh vực: Lao động - Thương binh và Xã hội, Dân tộc, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải. Đây đều là những vấn đề nóng, sát với diễn biến thực tế đời sống được nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm.

Với 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng kí tham gia chất vấn, 112 lượt đại biểu Quốc hội đã thực hiện quyền chất vấn và 49 lượt đại biểu tranh luận làm rõ hơn các vấn đề đã phần nào thể hiện quyết tâm đeo bám, đi đến cùng vấn đề chất vấn của các đại biểu Quốc hội nhằm đạt được những câu trả lời thỏa đáng. Cùng với đó, các các thành viên Chính phủ đã trả lời thẳng vào trọng tâm vấn đề, thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm và đưa ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực quản lý để sớm tạo chuyển biến trong thực tế. Những lời cam kết trách nhiệm từ những người đứng đầu các ngành và lãnh đạo Chính phủ đã phần nào đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Đánh giá cao từ khâu lựa chọn vấn đề chất vấn cũng như sự tham gia thẳng thắn, mang tính xây dựng của đại biểu Quốc hội, và câu trả lời ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện sự tin tưởng và hi vọng các Nghị quyết sẽ sớm đi vào thực tiễn.

”Một số nội dung chất vấn Quốc hội đã nhận được sự quan tâm nhiều như giao thông, lao động thương binh xã hội. Bộ trưởng cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết trong năm tới. Tôi kỳ vọng, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ tập trung thực hiện đúng lời hứa của mình để các Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, với vai trò giám sát của mình, Quốc hội sẽ đôn đốc và yêu cầu các cơ quan Chính phủ, Bộ ngành tổ chức thực hiện đúng, đáp ứng sự mong đợi của đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước”, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đánh giá cao vai trò điều hành linh hoạt, cân bằng tình huống giữa các Bộ trưởng và các đại biểu của Chủ tịch Quốc hội. Điều này giúp các Bộ trưởng bình tĩnh giải quyết được từng nội dung. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng phiên chất vấn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Phiên chất vấn đạt kết quả cao là nhờ nhiều yếu tố. Câu hỏi của đại biểu ngắn gọn đi thẳng vấn đề đang đặt ra. Bộ trưởng, Tư lệnh ngành cũng phải trả lời trực diện ngay vào vấn đề, không còn tình trạng đưa thông tin để kéo dài thời gian. Thông tin nào trả lời chưa thỏa đáng thì đều chất vấn trở lại. Ngay cả người điều hành cũng rất sâu sắc, thậm chí có lúc còn nói “tôi cũng tham gia chất vấn”, thể hiện tinh thần thẳng thắn quyết liệt, mang tính xây dựng, đúng tinh thần làm việc đổi mới của Quốc hội”.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ kỳ vọng, hiệu ứng lan tỏa của phiên chất vấn sẽ tạo nhiều chuyển biến tích cực trong thực tiễn.

Kỳ họp của đổi mới, sáng tạo

Tại kỳ họp thứ 5, báo cáo kiến nghị cử tri lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội thảo luận. Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp gồm 33 trang và hơn 100 trang phụ lục, đã nêu đầy đủ về kết quả giải quyết, trả lời đối với 2.593 kiến nghị của cử tri, đánh giá về kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong việc tổng hợp, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, đưa ra các kiến nghị cụ thể với Chính phủ, bộ, ngành trung ương nhằm giải quyết kiến nghị của cử tri, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân cũng như nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý của nhà nước.

Theo đó, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội. Quốc hội rất coi trọng tiếng nói, kiến nghị của cử tri và nhân dân cũng như vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nhân dân, của các cơ quan có thẩm quyền.

Đa số đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao việc Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp nội dung thảo luận tại hội trường đối với việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Các đại biểu Quốc hội cho rằng đây là một sự đổi mới góp phần làm cho hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch và ngày càng gắn bó mật thiết hơn với Nhân dân.