Nhà ở xã hội "nóng" vì nguồn cung thấp, giá thành cao

Tại nghị trường, các đại biểu ghi nhận nỗ lực cũng như kết quả ngành xây dựng đã đạt được thời gian qua. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn nhiều tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Điển hình là việc thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp và công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn. Đây là vấn đề được đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đặc biệt quan tâm. Bà nêu câu hỏi: “Nguồn cung nhà xã hội còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của công nhân, viên chức, người lao động. Xin hỏi bộ trưởng, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ ban hành chính sách gì hoặc đề xuất gì để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ vốn, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư, phát triển nhà ở xã hội nhằm tăng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của người lao động có thu nhập thấp?”.

Trong hai câu hỏi đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ra, ông cũng dành một câu về vấn đề nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, đồng thời yêu cầu người đứng đầu ngành xây dựng đưa ra giải pháp giải quyết. “Nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, diện tích thì không đạt, không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục thực trạng này? Có cơ chế chính sách gì để khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư xây dựng, chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước?”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu vấn đề.

Bên cạnh bất cập về nguồn cung nhà ở xã hội, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) còn quan tâm về giá nhà. Theo ông, giá nhà cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động hiện tại là quá cao so với thu nhập. Ông đề nghị người đứng đầu ngành xây dựng làm rõ nguyên nhân, đồng thời đưa ra giải pháp. “Mục tiêu về nhà ở xã hội là hướng tới người có thu nhập thấp và hướng tới nhà ở giá rẻ nhưng đến nay khó thực hiện khi giá nhà ở đang ở mức rất cao so với thu nhập người lao động, trung bình trên 15 triệu đồng/m2, có nơi 21-25 triệu/m2. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân thực trạng này? Có thể đưa giá nhà ở xã hội trở về với khả năng của người có thu nhập thấp không? Nếu được thì khi nào, thời gian bao lâu?”, đại biểu Tô Văn Tám đặt vấn đề.

Dù mới nhậm chức hơn một năm, song Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nắm rõ những vấn đề bức thiết của xã hội thuộc lĩnh vực quản lý. Ông thừa nhận thực tế các đại biểu nêu ra. “Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt, hiện mới đạt 7,79 triệu m2, so với yêu cầu là 12,5 triệu m2. Giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao. Nguyên nhân do chưa đảm bảo được nguồn cung; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; nguồn vốn chưa được đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi; khâu tổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp…”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận và giải trình.

Người đứng đầu Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp sẽ cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh các quy định của pháp luật để tháo gỡ khó khăn, đồng thời xây dựng chính sách thu hút phát triển nhà ở xã hội. “Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giá nhà cũng sẽ phù hợp hơn”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.

Ngập nước và kẹt xe nguyên nhân từ quy hoạch phát triển đô thị

Những bất cập trong quy hoạch phá triển đô thị cũng được nhiều đại biểu nêu ra với người đứng đầu Bộ xây dựng. Bởi đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân. “Phát triển đô thị là nhiệm vụ quan trọng, nhưng tình trạng ngập úng vẫn xảy ra ở khắp nơi. Hà Nội cứ mưa là lụt và tình trạng mưa ngập, kẹt xe, tắc nghẽn diễn ra thường xuyên. Đề nghị Bộ trưởng cho biết chủ trương, giải pháp để giải quyết tình trạng trên?”, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) đặt câu hỏi.

“Điều chỉnh quy hoạch tổng thể nông thôn tốn kém, mất nhiều thời gian. Xin hỏi Bộ trưởng có thấy được bất cập này và hướng giải quyết?”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) nêu thực tế, đồng thời đề nghị người đứng đầu Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận thực tế mà các đại biểu nêu ra: “Trong thời gian qua tình trạng ngập úng, kẹt xe ở các đô thị lớn, dù được các địa phương quan tâm nhưng vẫn chưa giải quyết được căn bản, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân”. Ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tác động của điều kiện tự nhiên, khí hậu; do quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng dẫn đến lấp hồ ao, kênh rạch, diện tích bề mặt bị bê tông hoá ngày càng tăng, khả năng tiêu thoát nước giảm xuống; công tác quy hoạch cũng chưa đáp ứng tầm nhìn; nguồn lực đầu tư chưa đảm bảo yêu cầu”.

Người đứng đầu Bộ Xây dựng hứa sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, trong đó có tính tới biến đổi khí hậu, đầu tư hạ tầng cho đô thị, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước.

Ông cho biết, Bộ Xây dựng cũng sẽ tập trung công tác quản lý các khu đô thị. Trong đó có việc rà soát quy định của pháp luật, quy định rõ hơn chủ đầu tư có trách nhiệm đề xuất phương án bàn giao ngay hạ tầng đô thị từ khi làm báo cáo nghiên cứu khả thi; Quy định rõ hơn cơ quan nhà nước có trách nhiệm thẩm định phương án quản lý hạ tầng đô thị…

Trả lời đại biểu Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) về việc điều chỉnh quy hoạch nông thôn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, hiện chưa có quy định điều chỉnh cục bộ xây dựng nông thôn, từ đó dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, cũng như đảm bảo tình hình thực tế của xây dựng nông thôn mới. Ông cam kết thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó quy định rõ hơn quy trình, trình tự trong công tác điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cục bộ xây dựng nông thôn, xây dựng điểm dân cư nông thôn.

Bên cạnh vấn đề nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động; vấn đề quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, nông thôn, các đại biểu cũng chất vấn người đứng đầu Bộ Xây dựng về vấn đề quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản; việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

Hy vọng với sự quyết liệt và giám sát của các đại biểu Quốc hội, sự quyết tâm của người đứng đầu Bộ xây dựng, những vấn đề gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội sẽ sớm được giải quyết.