Chia sẻ về công tác BHXH, BHYT ở phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, bà Vương Thị Ánh Tuyết- Phó chủ tịch phường cho biết, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và BHXH quận Hoàng Mai, việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã thu được những kết quả quan trọng. Cụ thể trên hệ thống loa di động tại các tổ dân phố thường xuyên phát các bài tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện để người dân biết về chủ trương này, tổ chức hội nghị tuyên truyền về bảo hiểm, mời các đối tượng người dân có nhu cầu và trong độ tuổi tham gia bảo hiểm. Đồng thời, phòng văn hóa phường cũng kết hợp thực hiện tuyên truyền, làm pano, áp phích về chủ đề bảo hiểm để công dân trên địa bàn nắm được chủ trương, chính sách bảo hiểm.

Theo báo cáo kết quả hoạt động BHXH và BHYT của phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, số người tham gia BHXH, BHYT tăng đều mỗi năm. Tính đến 7/2020, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT là 2.210 người trong đó hơn 90% số người dân tham gia BHYT tự nguyện.

Ông Nguyễn Văn Điền ở 43 phố Thanh Đàm, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai đến thời điểm hiện tại có 15 năm tham gia bảo hiểm y tế của phường. Năm 1992, sau khi trở lại thăm chiến trường Dốc Miếu, Quảng Trị, ông Điền phát hiện mình mắc bệnh nhiễm trùng máu. Thời gian đó, mỗi ngày nằm điều trị ở Viện Huyết học, ông Điền phải tiêm 3 ống thuốc kháng sinh cùng rất nhiều chi phí chữa bệnh, nhưng may ông có tấm thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện nên số tiền phải chi trả cho đợt điều trị bệnh đã giảm nhiều. “Một ngày phải tiêm 3 lọ vaccine giá 3 triệu/lọ, khi có bảo hiểm y tế thì tôi chỉ phải thanh toán 14 triệu, nếu không có phải trả vài trăm triệu. Tôi chưa thấy phường nào mà nhân dân mua bảo hiểm y tế nhiều như phường tôi. Nhận thức thấy có lợi thì họ mua”- Ông Điền chia sẻ.

Ông Điền tự hào bản thân là người có thâm niên mua bảo hiểm y tế ở địa phương bởi ông hiểu bảo hiểm y tế là chính sách có ý nghĩa nhân văn nhưng thời kì trước, không phải người dân nào cũng nhận thức được điều này. Nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, người dân đã thay đổi từ chỗ phải vận động thành tự nguyện đến mua thẻ bảo hiểm. Tổ dân phố nơi ông Điền ở, trước đây có những người không mấy mặn mà với bảo hiểm y tế tự nguyện nhưng khi không may mắc bệnh phải đến viện, họ mới hiểu được lợi ích của tấm thẻ bảo hiểm y tế. “Người dân đến khám thì được trân trọng, giúp đỡ tốt hơn từ đó bảo hiểm y tế gần gũi với người dân hơn. Thực tế quyền lợi của bảo hiểm mang lại cho người dân rất lớn, những người không ốm thì không cần nhưng có lần đi viện mới thấy giá trị y tế mang lại, Nói chung bảo hiểm y tế là chính sách đúng, đi vào lòng dân, chăm sóc sức khỏe cho dân, mang lại nhiều lợi ích. Người dân nên tham gia bảo hiểm y tế càng nhiều càng tốt.”- Ông Điền khẳng định.

Không những bản thân tham gia bảo hiểm y tế mà cả vợ ông Điền sinh năm 1955 và con trai ông Điền cũng đồng lòng mua bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình. Bởi so thời kì bao cấp trước đây, quyền lợi trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của những người tham gia bảo hiểm đã được tăng lên. Thực tế, bảo hiểm y tế đã đi vào lòng dân hơn các loại hình bảo hiểm tư nhân khác.

Còn với bà Hoàng Thị Thoa ở số nhà 1004 đường Nguyễn Khoái, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai thì việc tham gia bảo hiểm cần thiết như cơm ăn nước uống hàng ngày. Bà Thoa năm nay 60 tuổi, nhờ trời không bị các bệnh mạn tính của người già nhưng vừa qua, bà bị ngã gẫy chân. Nếu không có bảo hiểm y tế thì chắc bà cũng vất vả với các chi phí chữa bệnh. “Bảo hiểm của tôi ở phòng khám Đa khoa Lĩnh Nam của phường nhưng vì phẫu thuật phức tạp nên tôi được vào viện 108 điều trị. Tôi thấy tấm thẻ bảo hiểm y tế có lợi ích với người đi điều trị đặc biệt với bệnh nhân có bệnh hiểm nghèo” Bà Thoa kể.

Là cán bộ hội phụ nữ của phường, bà Thoa nhận nhiệm vụ thu bảo hiểm từ năm 2006, mặc dù thời gian đầu có những khó khăn như người dân chưa thực sự am hiểu đầy đủ về các loại hình bảo hiểm, đối tượng sử dụng, chế độ, quyền lợi của người tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện nhưng càng làm, bà lại cảm nhận tính nhân văn của tấm thẻ bảo hiểm y tế đặc biệt là đối với người có hoàn cảnh khó khăn.Với những người có bệnh thì họ rất cần mua bảo hiểm vì đây là chế độ an sinh xã hội được ưu đãi. Còn những người mua nhưng không bị bệnh thì một năm chỉ bỏ vài trăm để giúp người nghèo đỡ vất vả. Đó cũng là chủ trương tính nhân văn mà BHXH và BHYT mang lại cho cộng đồng.

Vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện khó một, nhưng để duy trì bền vững còn khó gấp đôi. Bởi người dân ở phường Thanh Trì ngoài lượng cư dân gốc trên địa bàn thì có nhiều người dân ở các địa phương khác đến mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau như làm công nhân, buôn bán nhỏ lẻ. Vậy nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ở đây khá cao bởi những hộ kinh tế khá còn tham gia cả các loại hình bảo hiểm nhân thọ, những hộ gia đình có mức sống trung bình, thu nhập không ổn định sẽ được tham gia bảo hiểm y tế theo hướng dẫn của cán bộ bảo hiểm, thủ tục rất đơn giản. Người dân không có hộ khẩu ở địa phương có thể photo hộ khẩu thường trú ở quê, sau đó khai vào tờ khai đúng địa chỉ để cán bộ bảo hiểm tra trên hệ thống, sau đó người dân được cấp mã thẻ bảo hiểm mới. Nếu đã có mã bảo hiểm cấp ở nơi cư trú thì làm thủ tục xin cắt ở địa phương và mua mới ở nơi cư trú. Người dân có thể mua tái tục để tham gia liên tục. Hiện tại, người mua bảo hiểm y tế tự nguyện ở phường Thanh Trì được cùng nhân dân trên địa bàn quận Hoàng Mai đăng ký khám, chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa Lĩnh Nam địa chỉ Tòa nhà A, khu đô thị Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Đi vào hoạt động từ 2005, công tác BHXH, BHYT phường Thanh Trì quận Hoàng Mai được chính quyền địa phương quản lí theo quy định và từ đó đến nay người dân trên 17 tổ dân phố nơi đây đã tích cực tham gia. Công tác an sinh trong đó có BHXH, BHYT được chính quyền địa phương quan tâm đã phần nào giúp cho đời sống người dân ở đây được nâng cao từng ngày./.