Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn, sát thực hơn với thực tiễn cuộc sống. Theo đó, các ý kiến khác nhau về dự thảo Luật này tập trung ở một số nội dung chính là về việc bổ sung danh hiệu Xã, Phường, Thị trấn tiêu biểu (Điều 29), vấn đề khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến (Điều 96) và đặc biệt là về danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” (Điều 66).

Thảo luận tại nghị trường Quốc hội, nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị giữ như Luật hiện hành là “nhạc sĩ” và “phát thanh viên” là đối tượng được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Cà Mau) bày tỏ đồng thuận với việc xét danh hiệu thi đua đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh và soạn giả của lĩnh vực sân khấu là đối tượng để xét tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú được quy định tại khoản 1 Điều 66 của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đại biểu Trần Thị Thu Đông đề nghị Ban soạn thảo cần đưa vào Luật danh hiệu Kiến trúc sư nhân dân, Kiến trúc sư ưu tú hoặc phong tặng là Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo. Bà lý giải: “Mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm lao động nghệ thuật, nhất là công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa”.

Ngoài ra, trong lĩnh vực văn học, có những tác phẩm đạt giải thưởng cao đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, giáo dục chân-thiện-mỹ cho nhân dân. Do đó, theo đại biểu Trần Thị Thu Đông, nhà văn cũng là nghệ sĩ, chiến sĩ trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, họ cũng nên là đối tượng được xem xét phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú hoặc là Nhà văn nhân dân, Nhà văn ưu tú nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.

Bổ sung vào đề nghị mở rộng đối tượng được trao danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, vẫn cần sửa đổi, bổ sung một số điểm để dự án Luật được hoàn thiện hơn nữa, đảm bảo chất lượng cao. “ Từ trước tới nay, danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” mới đang chỉ được xét tặng cho các nghệ sĩ biểu diễn còn người hoạt động sáng tác thì chưa. Đề nghị mở rộng đối tượng được trao danh hiệu NSND, NSUT cho đội ngũ sáng tác, những người làm công việc sáng tạo” - Đại biểu Đỗ Văn Yên kiến nghị.

Cho rằng việc mở rộng đối tượng trao danh hiệu sẽ thể hiện rõ sự quan tâm, khích lệ, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những người lao động nghệ thuật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đăk Nông) đề nghị tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cho những nhà giáo đã về hưu.

Phản ánh tâm tư, nguyện vọng của giới văn nghệ sỹ, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, đông đảo văn nghệ sỹ thực sự trông mong, giúp xóa đi những sự phân biệt giữa nghệ sỹ sáng tác và nghệ sỹ biểu diễn trong đối tượng được xét tăng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, tạo động lực lớn cho sự sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sỹ, phù hợp với tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua. Đại biểu nhấn mạnh, sự động viên, khích lệ, ghi nhận kịp thời của Đảng, Nhà nước sẽ là nguồn động lực lớn lao để những người nghệ sỹ tiếp tục miệt mài lao động, tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn, góp phần vào nền văn hóa đậm đà bản sắc của nước nhà.

Góp ý về các đối tượng được khen thưởng, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu rõ: “Tại các phiên thảo luận về dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh lần sửa đổi này phải đảm bảo bao quát hết các đối tượng được khen thưởng. Tư tưởng đó được thể hiện tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 về Nguyên tắc thi đua, khen thưởng đó là chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân trực tiếp lao động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khi quy định các hình thức khen thưởng như lập Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì dự thảo Luật chưa bao quát hết các đối tượng là người trực tiếp lao động sản kinh doanh”.

Đại biểu Tô Văn Tám phân tích: “Cụ thể tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 42, 43, 44 và Điều 72 mới chỉ quy định tặng cho công nhân, nông nhân, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân mà lại không có đối tượng là những người trực tiếp sản xuất kinh doanh khác”.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, những người sản xuất kinh doanh khác, ví dụ như những tiểu thương, tiểu chủ là những người buôn bán, sản xuất nhỏ…họ không phải là công nhân, họ cũng không phải là nông dân mà họ cũng không thuộc là doanh nhân, họ thuộc nhóm là những người lao động khác. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật các đối tượng “những người lao động khác” để bao quát hết các đối tượng, không bỏ sót những người xứng đáng.