Nghe chương trình tại đây:

Nước ta hiện có khoảng 600 nghìn thương, bệnh binh. Đó là những người từ chiến trường trở về với đôi chân, đôi tay không lành lặn, có người chấn thương cột sống phải gắn chặt cuộc đời với chiếc xe lăn, xe đẩy và có cả những người cả ngày chỉ biết khóc, rồi cười vì di chứng của chấn thương sọ não, của rối loạn tâm thần.

Những người lính trở về sau chiến tranh

Bất cứ ai có cơ hội đến thăm khu chăm sóc người có công tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Thái Bình ở xã Bắc Đông Quang, tỉnh Thái Bình nay là tỉnh Hưng Yên cũng đều cảm thấy xót xa. Bởi lẽ, đa phần trong số họ đều là những thương, bệnh binh bị rối loạn tâm thần. Họ đối diện với cuộc sống hiện tại với ánh mắt thất thần, nụ cười ngờ nghệch, thậm chí hoảng loạn mỗi khi trái gió trở trời. Thế nhưng, những lúc tỉnh táo, những thương, bệnh binh như ông Nguyễn Quang Thái, ngoài 70 tuổi, lại chẳng thể quên quá khứ đã từng quên mình chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

“Học xong đại học quân sự, tôi được cử đi làm nhiệm vụ quốc tế. Do rừng thiêng nước độc nên bị ác tính thể não. Tái phát đi tái phát lại nhiều lần nên trở thành tâm thần phân liệt. Ở đây các cán bộ coi như chúng tôi như người nhà. Những lúc anh em mà tái phát cơn thì có sự điều trị kịp thời”, ông Nguyễn Quang Thái kể.

Trở về sau chiến tranh biên giới năm 1979, ông Phạm Cường, quê ở tỉnh Thái Bình (cũ) mang theo căn bệnh rối loạn tâm thần. Ông lúc nhớ, lúc quên, lúc tỉnh táo, khi lại trong trạng thái thiếu minh mẫn, hành động mất kiểm soát. Ông lại chẳng có vợ con, thế nên, những người thân trong gia đình đã đưa ông đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Thái Bình để được chăm sóc tốt hơn.

Hơn 30 năm, sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Thái Bình, ông Bùi Trần Thế Vinh, gần 80 tuổi cho biết, nhờ vào sự chăm sóc chu đáo, tận tâm như người nhà của các bác sĩ và cán bộ nơi đây nên ông cũng cảm thấy được an ủi phần nào.

“Tôi đi lính từ đợt tổng động viên năm 1979. Do di chứng của chiến tranh mà bị tâm thần phân liệt. Năm ngoái, tôi bị bệnh nặng cũng được cán bộ ở đây đưa lên bệnh viện tỉnh chữa trị kịp thời. Các cán bộ ở đây rất tốt, chăm sóc cho thương, bệnh binh chúng tôi rất cẩn thận”, ông Bùi Trần Thế Vinh chia sẻ.

Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng, những thương, bệnh binh vẫn ngày ngày phải đối mặt với những vết thương không bao giờ lành.

Mái nhà chung ấm áp nghĩa tình

Trong số những thương, bệnh binh được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Thái Bình, có người đôi lúc còn tỉnh táo, còn nhớ được gia đình, người thân, nhưng cũng không ít người không thể nhớ nổi mình là ai, đã sống ở đây được bao lâu. Chính vì vậy, với họ, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên ở Trung tâm chính là những người thân duy nhất. Bằng tất cả tình yêu thương, sự kính trọng, các cán bộ nơi đây luôn tận tụy chăm sóc những người lính đã đổ xương máu cho hòa bình hôm nay.

Ngay từ khi còn nhỏ, hình ảnh mẹ tận tâm chăm sóc các thương, bệnh binh luôn hằn sâu trong tâm trí của chị Nguyễn Thị Tươi, điều dưỡng phòng chăm sóc và phục hồi chức năng cho đối tượng bảo trợ xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Thái Bình. Chính vì vậy, chị Tươi đã quyết đinh theo học ngành Điều dưỡng và trở lại Trung tâm để được làm công việc ý nghĩa, nhân văn giống như mẹ của mình. Không chỉ tận tụy chăm sóc sức khỏe cho các thương, bệnh binh, chị Tươi còn trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng với họ. Bởi lẽ, chị mong muốn có thể bù đắp một phần nào đó cho những mất mát, thiệt thòi của những thương, bệnh binh.

Đa số các thương, bệnh binh ở Trung tâm đều mắc bệnh về tâm thần nên việc chăm sóc không chỉ đòi hỏi thời gian, công sức mà còn cần cả sự kiên nhẫn. Anh Trần Văn Khang, cán bộ phụ trách Khu bệnh nhân người có công chia sẻ, công việc tuy có những khó khăn, vất vả nhưng với anh, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và là sự tri ân đối với những người đã từng cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Vết thương do chiến tranh để lại vẫn luôn khiến cho mỗi chúng ta không khỏi xót xa khi nghĩ về những người chiến sĩ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, các cán bộ, y bác sỹ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Thái Bình đã vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc tốt các cô, các chú thương binh, tiếp tục hưởng trọn niềm vui được tri ân, bù đắp trong cuộc sống hôm nay. Theo chị Nguyễn Thị Thu, một trong số những nhân viên của Trung tâm, việc chăm sóc thương, bệnh binh không chỉ đơn giản là bữa cơm hàng ngày mà còn cần đến những liều thuốc tinh thần.

Ở nước ta, nơi nuôi dưỡng các thương, bệnh binh neo đơn, không có người chăm sóc thường là các Trung tâm, Khu Điều dưỡng hoặc các Cơ sở nuôi dưỡng người có công… Những nơi này có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho thương bệnh binh, người có công với cách mạng và gia đình họ. Chính vì vậy, điều mà ông Phạm Đình Lễ - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Thái Bình mong muốn nhất hiện nay đó là nhận được sự quan tâm, hỗ trợ để có được cơ sở vật chất tốt hơn, từ đó, công tác chăm sóc các thương, bệnh binh ngày một chất lượng hơn, hiệu quả hơn.

“Hạnh phúc không nằm ở việc bạn có bao nhiêu, mà ở cách bạn chia sẻ với người khác như thế nào”. Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Thái Bình như mái nhà thứ hai của những thương, bệnh binh. Bởi ở đây, nỗi đau chiến tranh được xoa dịu bằng sự tận tâm, tận tụy và cả sự trân trọng, biết ơn của thế hệ hôm nay đối với lớp người đã không tiếc một phần máu xương để làm nên dáng hình Tổ quốc. Họ không chỉ là những thầy thuốc chữa lành vết thương trên cơ thể mà còn là những chuyên gia tâm lý giúp những người lính năm xưa tìm thấy niềm vui và sự sẻ chia yêu thương./.