Việc triển khai các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, cũng như vận động đóng góp, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được các địa phương quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thân nhân của họ.

Trong nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Long luôn tích cực vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, cùng chung tay chăm lo, hỗ trợ các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng, giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Ông Hồ Văn Huân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long khẳng định, đại bộ phận gia đình người có công trên địa bàn tỉnh đều có mức sống bằng hoặc cao hơn so với cộng đồng dân cư.

Thay mặt Ban vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa và các chương trình an sinh xã hội tỉnh Vĩnh Long, ông Huân kêu gọi toàn thể cán bộ công chức viên chức người lao động, lực lượng vũ trang, đồng bào mở rộng tấm lòng nhân ái, tiết kiệm một phần nhỏ chi tiêu đóng góp thiết thực vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa.

“Bằng tấm lòng của mình, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tùy theo khả năng của mình, tích cực đóng góp, ít nhất một ngày lương, chung tay thực hiện các chương trình an sinh xã hội, tạo nguồn lực hỗ trợ gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững” - ông Huân khẳng định.

Từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhiều hoạt động tri ân các gia đình chính sách nhanh chóng được thực hiện, góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc và cải thiện đời sống của họ. Hằng năm, đã có hàng trăm ngôi nhà của gia đình người có công được hỗ trợ sửa chữa và xây mới; nhiều công trình ghi công liệt sỹ được nâng cấp tôn tạo; hàng trăm lượt người có công và thân nhân được thăm hỏi, động viên, chia sẻ vào dịp lễ, tết và những lúc khó khăn... Đó thực sự là tình cảm, sự tri ân sâu sắc với những người đã hy sinh xương máu, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

“Gia đình nhà tôi có 2 liệt sĩ là bố đẻ Đinh Văn Ngư và một chú út nữa. Không may giấy tờ thất thoát hết, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Nhà nước gia đình tôi đã được làm hoàn tất thủ tục hưởng các chính sách giúp vơi đi những nỗi đau xót, nhớ thương” - bà Đinh Thị Cừ, Thân nhân Bà mẹ Việt Nam anh hùng kể.

Việc sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hiệu quả đã kịp thời động viên, chia sẻ bớt khó khăn cho các đối tượng chính sách, nhất là người có công đang gặp khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Đồng thời tạo mọi điều kiện và nguồn lực để bản thân những người có công như thương binh Nông Văn Kỹ ở tỉnh Ninh Bình tự nỗ lực phấn đấu vươn lên.

“Các hoạt động tri ân, tạo công ăn việc làm, tạo nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội giúp nâng cấp, tu sửa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho các gia đình chính sách, cơ bản người có công với cách mạng, thương, bệnh binh đời sống tinh thần, vật chất đều được quan tâm và ổn định” – ông Kỹ cho biết.

Cùng với việc huy động mọi nguồn lực chăm lo tốt cho đời sống người có công, thời gian qua, chính quyền địa phương các cấp còn chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.

Theo ông Vũ Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, đối với công tác chăm lo người có công, địa phương giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết công tác an sinh xh, ví dụ các trường hợp khó khăn đột xuất. Hàng năm chúng tôi vận động xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội. Chúng tôi có ban quản lý, khi có những trường hợp đặc biệt khó khăn đột xuất có quan tâm hỗ trợ cho các đối tượng.

Hiện nay, ngân sách hàng năm của Nhà nước chi cho ưu đãi xã hội phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế. Vì thế, theo ông Lê Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, phong trào xã hội hóa, huy động các nguồn lực ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” có vai trò hết sức quan trọng.

Ông Hồng cho biết, địa phương thực hiện việc huy động xã hội hóa nhằm triển khai công tác chăm sóc người có công với cách mạng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, ưu tiên việc triển khai Quỹ đền ơn đáp nghĩa nhằm thực hiện đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm chế độ chính sách với người có công đúng thời gian, đúng chế độ theo quy định của Nhà nước.

Mục tiêu của công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người được thụ hưởng. Để nắm chắc các nhu cầu thiết thực của đối tượng chính sách trong tình hình mới, bà Vũ Thị Mỹ Dung, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho rằng cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức trong xây dựng, triển khai Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả đã được khẳng định trong thực tiễn.

“Chúng tôi có quy chế thực hiện các chế độ chính sách với người có công như xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, tích cực kêu gọi các tổ chức cá nhân đóng góp. Từ nguồn quỹ này chúng tôi thực hiện hỗ trợ nhà ở, thăm và tặng quà cho người có công” – bà Dung cung cấp thêm thông tin.

Các hoạt động thiết thực từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần động viên, cải thiện cuộc sống cho các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng. Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân cần tiếp tục quan tâm, coi việc vận động, xây dựng và triển khai Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể, nhằm thực hiện tốt việc chăm lo cho người có công./.