“Hà Nội học” và hiệu quả bước đầu từ việc đưa vào giảng dạy ở bậc học phổ thông

Đến thời điểm này, trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân Văn, thuộc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn là ngôi trường đầu tiên và duy nhất ở Thủ đô đưa “Hà Nội học” vào nội dung giảng dạy phân môn Giáo dục địa phương theo chương trình 2018. PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết ngay từ năm 2020, trong kế hoạch triển khai giảng dạy nội dung giáo dục địa phương thuộc Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhà trường đã quyết định thử nghiệm đưa “Hà Nội học” vào giảng dạy.

Là trường THPT đầu tiên dạy nội dung “Hà Nội học” đồng nghĩa Ban Giám hiệu trường chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn phải mò mẫm thử nghiệm tất cả, từ tìm đội ngũ giáo viên, xây dựng nội dung phù hợp đến cả những trải nghiệm thực tế giúp học sinh thấm và ngấm về thành phố nghìn năm tuổi, mang trong mình tầng tầng lớp lớp trầm tích văn hóa, lịch sử, địa lý... đặc biệt hơn khi Hà Nội ở vị trí Thủ đô, trái tim của cả nước.

“Khi tiến hành giảng dạy môn Hà Nội học đối với trường trung học phổ thông chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn khó khăn nhất là về đội ngũ các thầy cô, không có người chuyên về Hà Nội học. Nhưng cũng rất may mắn khi chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ Trường đại học Thủ đô Hà Nội, Viện Việt Nam học và phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội giúp đỡ, cử những cán bộ giáo viên rất am hiểu về Hà Nội học lên lớp dạy trực tiếp cho các em. Đồng thời chúng tôi cũng kết nối với Ban quản lý các di tích lịch sử Hà Nội để học sinh đến thăm các di tích lịch sử đó”, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu cho biết.

Đội ngũ giáo viên của trường gồm các thầy cô chuyên về Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa lý một mặt hỗ trợ các giáo viên được mời về dạy nội dung “Hà Nội học” đồng thời tiếp cận dần những kiến thức chuyên môn cũng như kĩ năng giảng dạy nội dung này để có thể từng bước tự độc lập giảng dạy. Và điều hay nhất, thú vị nhất của nội dung dạy về Hà Nội theo PGS.TS Nguyễn Quang Liệu nằm ở hoạt động trải nghiệm thực tế của học sinh.

Hà Nội với nhiều học sinh chỉ đơn giản là nơi được sinh ra và lớn lên. Các em coi con đường, ngõ phố, món ăn như những điều hiển nhiên thì thông qua “Hà Nội học”, các em thêm yêu mến, trân trọng và góp phần gìn giữ, dựng xây thành phố đẹp hơn, văn minh hơn như chia sẻ của Cao Nguyệt Hà, học sinh lớp 11 Ngữ văn 2. Hà cho biết có những giờ học thật sự đặc biệt và ấn tượng dù đã diễn ra từ học kì 1. Ở đó các em được cùng nhau trao đổi, tìm hiểu về văn hóa, con người, những góc phố đẹp và cả những món ngon của Thủ đô được các em đưa tới lớp, giới thiệu và cùng nhau nếm thử ngay trong giờ học.

Lê Hoài Nam, sinh viên K68 ngành Lịch sử khoa Lịch Sử trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, cựu học sinh trường THPT Chuyên KHXHNV cho biết chính môn học đã góp phần để em chọn ngành học ở bậc đại học. Thuộc lứa học sinh đầu tiên tiếp cận với “Hà Nội học” giúp em hiểu hơn về vùng đất được sinh ra, lớn lên.

“Hà Nội học” trên hành trình phủ sóng các trường phổ thông trên địa bàn Thủ đô.

Từ cuối năm 2022, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đề án: “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, gọi tắt là đề án 1209. Ban chuyên môn đề án này cùng sự giúp sức của các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu đã biên soạn bộ chương trình và tài liệu bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học. Sau khi đề án nhận được giải thưởng “Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội” hạng mục Ý tưởng năm 2023, một hội thảo khoa học đã được tổ chức vào tháng 11/2023 tiếp tục hoàn thiện 7 chương trình và 37 chuyên đề nhằm bồi dưỡng cho cán bộ quản lý ngành giáo dục, giáo viên đại trà, giáo viên dạy giáo dục địa phương thành phố Hà Nội và sinh viên ngành sư phạm của đại học Thủ đô nhằm tiến tới đưa môn học này vào giảng dạy ở các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội.

“Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP. Hà Nội thuộc Chương trình 06 của Thành ủy giao cho Trường Đại học Thủ đô chủ trì và thực hiện. Sau Hội đồng thẩm định tài liệu cuối năm 2023, hiện nay đã sang quý 2 của năm 2024, chúng tôi đã và đang cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các công việc tiếp theo của Đề án mà nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là tổ chức các Hội thảo để có thêm tính thực tiễn nhằm tiến hành bồi dưỡng cho GV trong thời gian tới”, TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa-Du lịch, Đại học Thủ đô Hà Nội, Chủ nhiệm đề án chia sẻ về những bước để triển khai đưa “Hà Nội học” vào giảng dạy.

“Hà Nội học” theo TS Thu Hương gồm những vấn đề của địa phương Hà Nội được nghiên cứu, sưu tầm phổ biến đến các đối tượng khác nhau. Đối với học sinh phổ thông đòi hỏi chương trình phải phù hợp với từng cấp học, có tính kết nối và gắn với chương trình phổ thông, là sự cụ thể hóa, liên hệ giữa các vấn đề của đất nước với địa phương Hà Nội.

Bên cạnh đó, Hà Nội là Thủ đô có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến nên việc đưa môn “Hà Nội học” vào các trường phổ thông ở nội dung Giáo dục Địa phương TP HN là chủ trương lớn đã được Thành ủy HN đưa ra mà gần nhất là Chỉ thị 30 - CT/TU ngày 19-2-2024. Nhưng để thực sự hiệu quả đòi hỏi sự sáng tạo lớn của giáo viên thay vì chỉ căn cứ, bám sát vào tài liệu, giáo trình cứng. Yêu cầu đặt ra với giáo viên phải thật sự tâm huyết, trách nhiệm, có tình yêu Hà Nội và truyền được tình cảm đó đến học sinh của mình. Thầy cô tổ chức các giờ học về Hà Nội một cách sáng tạo, phát huy được tinh thần ham học hỏi, tìm hiểu về Hà Nội của học sinh. Thầy cô cần khuyến khích việc học tập trải nghiệm sáng tạo, khuyến khích các giờ học mà ở đó học sinh được trình bày các sản phẩm của mình khi tìm hiểu về 1 vấn đề nào đó của Thủ đô, có thể là thuộc lĩnh vực lịch sử, văn hóa, địa lý,…

Đề án phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành triển khai bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục từ tháng 7 năm 2024.

Còn việc dạy môn “Hà Nội học” trong các trường phổ thông sẽ theo kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ thành phố Hà Nội.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung này: