Sáng 24/7, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thành phố Hà Nội diễn ra Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử năm 2025. Sự kiện do Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7.

Cuộc gặp mặt quy tụ 250 đại biểu tiêu biểu đến từ mọi miền Tổ quốc. Trong đó, có 20 đại biểu là người dân tộc thiểu số; 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 3 lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; 30 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; 167 thương binh, 26 bệnh binh và 9 nhân chứng lịch sử.

Những xúc cảm thiêng liêng

Vượt hàng nghìn cây số từ Cần Thơ về với Thủ đô, người thương binh già Hoàng Xuân Đức (72 tuổi) không giấu nổi niềm vui khi được gặp lại những đồng đội từng cùng ông chiến đấu năm xưa. Ông Hoàng Xuân Đức kể: Năm 1978, khi vừa tròn 20 tuổi, ông nhập ngũ, là lính công binh thuộc đơn vị E25, trực thuộc Quân khu 9, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia.

Ngày 7/1/1979, ông cùng quân tình nguyện Việt Nam sang giúp nước bạn Campuchia đánh đuổi tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt. Đến năm 1989, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông được lệnh rút quân về nước. Cùng năm đó, ông là một trong số ít người được chọn tham gia Đội công tác đặc biệt của Việt Nam, làm chuyên gia hỗ trợ quân đội Campuchia truy quét giặc Pôn Pốt.

Tháng 7/1990, trên đường hành quân chỉ huy đơn vị tấn công vào các cứ điểm của địch, ông Đức không may giẫm phải mìn. Đồng đội đã đưa ông đi cấp cứu. Tuy nhiên, do đường rừng hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, nên từ 14 giờ đến tận 2 giờ sáng hôm sau, đồng đội mới đưa ông tới được điểm có đội phẫu thuật. Hành trình kéo dài khiến vết thương của ông Đức bị hoại tử nặng. Để giữ được tính mạng, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ chân phải của ông. Sau ca phẫu thuật, ông Hoàng Xuân Đức được chuyển về thủ đô Phnom Pênh, Campuchia điều trị, rồi tiếp tục về Việt Nam và điều trị tại Bệnh viện 121, Quân khu 9.

Giờ đây, ở tuổi ngoài 70, thương binh Hoàng Xuân Đức, trở lại Thủ đô Hà Nội mang theo ký ức chiến trường một thời. Với ông, còn sống sót trở về, được đặt chân tới Hà Nội, gặp lại những người đồng đội từng kề vai sát cánh năm xưa, là sự may mắn, tự hào. “Bây giờ được về đây, còn được gặp anh em, đồng đội, được dự hội nghị này là vinh hạnh của tôi. Tôi rất vui và hạnh phúc”, ông Hoàng Xuân Đức bày tỏ.

Trong số những câu chuyện tự hào, được các thương binh, bệnh binh, người có công, nhân chứng lịch sử kể lại, thì câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp, chiến đấu của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lương Văn Mướt (79 tuổi) ở Hải Phòng cũng đầy ấn tượng.

Là lính đặc công, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, với 26 năm quân ngũ thì một nửa thời gian ông Lương Văn Mướt cầm súng trực tiếp chiến đấu với quân thù, chỉ huy chiến đấu 57 trận; đánh chìm 9 tàu chiến và tàu hàng quân sự của địch; đánh sập một cầu cảng Nhà Bè, phá hủy nhiều vũ khí của địch, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phương tiện chiến tranh; thu một số trang bị của địch. Ông cũng là người trực tiếp tham gia đánh vào kho xăng Nhà Bè tháng 12/1973 và giành thắng lợi lớn. Với những chiến công của mình, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1978.

Về Thủ đô dự Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử năm 2025, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lương Văn Mướt bày tỏ niềm phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với những người có công với cách mạng. Ông cho rằng, chính sự tri ân ấy mang lại niềm an ủi, ấm lòng và sự tự hào cho những người đã hy sinh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và bảo vệ Tổ quốc.

Tri ân 9,2 triệu người có công toàn quốc

Báo cáo về công tác chăm sóc người có công tại buổi gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử năm 2025, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, lịch sử dân tộc Việt Nam là bản hùng ca bất diệt về ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần yêu nước nồng nàn và sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ.

Để có được hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc như ngày nay, có sự đóng góp to lớn của hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600.000 thương binh, bệnh binh, cùng hàng triệu người là thân nhân liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học. Họ là những biểu tượng sống của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng yêu nước và đức hy sinh cao cả cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa". Trong 78 năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân luôn được quan tâm và thực hiện tốt. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về ưu đãi người có công, với đối tượng ngày càng mở rộng và chế độ ưu đãi ngày càng nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.

Chỉ tính riêng từ năm 2024 đến nay, hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết cơ bản, trong đó có hơn 2.400 liệt sĩ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi năm 2025 tăng hơn 70% so với năm 2021 góp phần cải thiện đáng kể đời sống người có công. Trong gần 2 năm qua, cả nước đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công, kết quả cơ bản hoàn thành trên 41.800 căn nhà, từ ngân sách nhà nước là 1.970 tỷ đồng và các nguồn vận động, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đóng góp.

Từ đầu năm 2025, trong những dịp Tết và các ngày Lễ lớn của dân tộc, chăm lo cho người có công với cách mạng là một nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, trân trọng, mang đến những tình cảm ấm áp đối với người có công với cách mạng và thân nhân với số tiền hỗ trợ cho người có công trên 1.400 tỷ đồng cho 3,26 triệu người. Đã hỗ trợ Sổ tiết kiệm cho người có công từ năm 2019 đến nay là: 57.037 sổ với tổng số tiền 124.079 triệu đồng.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, các hoạt động tri ân người có công với cách mạng tiếp tục được tổ chức thường xuyên, với hình thức phong phú, nội dung thiết thực, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội; đến nay có trên 98,6% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại khu dân cư nơi cư trú. Đây là kết quả quan trọng vừa thể hiện sinh động chủ trương của Đảng đã đi vào thực tiễn cuộc sống cho người có công trên cơ sở các chính sách của Nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội đối với người có công

Xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ của người có công

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, sự hiện diện của các đại biểu là người có công và nhân chứng lịch sử, đại diện cho trên 9,2 triệu người có công với cách mạng và thân nhân người có công trên toàn quốc, là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, đức hy sinh và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư nhắc lại quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là "người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc". Đó là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam. Công tác "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" không chỉ là một chính sách lớn, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm chính trị, đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn chứng, đến nay đã có hơn 9,2 triệu người có công được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Đời sống vật chất và tinh thần của người có công và thân nhân đã được cải thiện. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ, hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết; 325 "Bằng Tổ quốc ghi công" được cấp thêm trong 6 tháng đầu năm 2025; hơn 34.000 căn nhà tình nghĩa đã hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch...

Về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, theo Tổng Bí thư, hàng nghìn hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy và quy tập về các nghĩa trang. Khoảng 3.000 nghĩa trang và 4.000 công trình ghi công liệt sĩ trên cả nước luôn được đầu tư xây dựng, tu bổ khang trang, trở thành những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống. Công tác xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin, đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ giám định ADN, đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu.

"Ngay ngày hôm qua, chúng tôi đã nhận được tin có 5 liệt sĩ được xác định danh tính, trở về với gia đình nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại", Tổng Bí thư chia sẻ.

Để phát huy những kết quả thành tích đã đạt được, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các Bộ, ngành địa phương trong cả nước tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Chủ động nắm tình hình, giải quyết “thấu tình đạt lý” những đề xuất, tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của người có công với cách mạng và thân nhân.

Thực hiện kịp thời các thủ tục hành chính trong việc xem xét công nhận người có công và chi trả trợ cấp ưu đãi đảm bảo thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ, để đời sống vật chất và tinh thần của người có công ngày càng tốt đẹp hơn".

Tại buổi gặp mặt, tri ân, lãnh đạo Đảng, nhà nước cùng trao tặng những phần quà đến 250 đại biểu tham dự chương trình, đồng thời tặng quà tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng; cán bộ lão thành cách mạng; cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã gửi tặng biểu trưng Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh đến 250 đại biểu người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu./.