Mời nghe chương trình tại đây:
May mắn còn sống và trở về, gần 20 năm qua, cựu chiến binh Hồ Đại Đồng (nguyên chiến sỹ Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) cùng các đồng đội vẫn miệt mài hành quân đến những nơi “rừng thiêng, nước độc” để tìm kiếm, cất bốc, đưa hài cốt các liệt sĩ trở về với đất mẹ, góp phần xoa dịu đau thương, mất mát.
Mới đây, ông vừa thực hiện chuyến đi kéo dài hơn một tháng để tìm đồng đội. “Để có được hòa bình, chúng ta đã phải hy sinh nhiều quá. Đến bây giờ vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, tương đương với khoảng 30 Sư đoàn. Tôi rất mong mọi người luôn luôn nhớ và hiểu được cái giá của hòa bình và chúng ta được độc lập, tự do như ngày hôm nay”, ông Đồng chia sẻ.

Từng trực tiếp tham gia nhiều trận đánh nhưng có lẽ với ông Đồng, trận đánh tại đỉnh Chư Tan Kra là trận đánh khó quên nhất. Trận đánh này đã khiến hàng chục đồng đội của ông ra đi mãi mãi. “Trận đánh tại Hớn Quản, Bình Long, khi đang hành quân thì tôi lên cơn sốt cao, hơn 40 độ, cấp trên yêu cầu tôi bàn giao nhiệm vụ cho người khác. Tôi giao lại nhiệm vụ cho anh Ngọc – Trung đội phó, rồi về hầm nghỉ ngơi. Đi được vài mét thì có tiếng bom. Đơn vị tôi trúng bom, cả tiểu đoàn hy sinh gần hết, khoảng 60 người. Đồng đội hy sinh để tôi được sống. Đó cũng là món nợ ân tình của tôi nên tôi phải đi tìm các anh về. Thật tiếc là gần 20 năm nay vẫn chưa tìm được các anh.”, ông Đồng tâm sự.
Từng tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ trải rộng khắp các tỉnh thành, chứng kiến đồng đội hy sinh để cho mình được sống đó cũng chính là những trăn trở khiến ông quyết tâm đi tìm đồng đội. Vì vậy từ năm 2007, ông Đồng đã chuẩn bị cho mình tiền bạc, thời gian, sức khỏe để thực hiện các chuyến đi. Gần 20 năm nay, ông đã thực hiện được 46 chuyến, chuyến đi ngắn thì một tuần, dài thì hơn một tháng và “đưa được” hàng chục hài cốt liệt sĩ quy tập về các nghĩa trang khắp mọi miền Tổ quốc.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày liệt sỹ Đỗ Văn Chai hy sinh nhưng gia đình vẫn chưa biết phần mộ của anh ở đâu. Nhiều năm mòn mỏi đợi chờ tin con, bố mẹ liệt sỹ đã ra đi mà chưa thực hiện được ước nguyện đưa hài cốt con trở về. Giờ đây các anh chị em trong gia đình cũng chỉ còn bà Đỗ Thị Chè là em gái của liệt sỹ. Nhiều năm trước khi còn sức khỏe bà cùng các con cháu cũng đi dò hỏi thông tin ở nhiều nơi nhưng không có kết quả. Trong lúc tưởng chừng như vô vọng thì bà Chè vô cùng bất ngờ và xúc động khi đồng đội của anh đến tận nhà thông báo hiện LS Đỗ Văn Chai đang được an táng tại nghĩa trang LS huyện Sa Thầy. Sau mấy chục năm đằng đẵng chờ đợi, nguồn thông tin quý giá ấy đã mang đến cho gia đình bà niềm hạnh phúc vô bờ. “Tôi rất xúc động khi đồng đội đã tìm được mộ anh tôi”, bà Chè xúc động.
Cùng với gia đình liệt sỹ Đỗ Văn Chai, gia đình liệt sỹ Trần Văn Thanh cũng vô cùng bất ngờ và xúc động khi được các cựu chiến binh trong Ban liên lạc cung cấp thông tin về phần mộ người thân. Niềm vui như vỡ òa khi anh Hồ Thành Giáo – con rể của liệt sỹ được tự tay thắp nén nhang thơm lên phần mộ của cha tại tỉnh Sa Thầy, Kon Tum. “Bố tôi có mình nhà tôi là con gái, khi bố tôi ra đi thì vợ mới được 3 tháng, cũng nhờ các bác kết nối gia đình được làm ADN, tìm lại được bố”, anh Giáo vui mừng.

Để có được kết quả như ngày hôm nay, ông Đồng cho rằng, những nguồn tin từ phía Mỹ cung cấp rất quan trọng, bởi phía Mỹ xác định tọa độ gồm 6 con số nên tỷ lệ sai sót ít. "Khoảng 90% các liệt sỹ chúng tôi tìm thấy là nhờ thông tin của những cựu chiến binh Mỹ", ông Đồng nhấn mạnh.
Sau 50 năm giải phóng, giờ đây mỗi lần có dịp đến thăm lại những mảnh đất mình từng chiến đấu, ông Đồng cảm thấy thực sự hạnh phúc khi được nhìn lại những cánh rừng, những căn hầm cũ từ hồi chiến tranh, được chứng kiến những đổi thay nhanh chóng của đất nước, điều đó khiến ông tự hào vì mình đã góp một phần công sức vào sự thay đổi đó./.