Dân tộc Thổ là một trong 54 dân tộc ở nước ta, sinh sống chủ yếu tại hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Riêng tại huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 10.000 người Thổ, tập trung tại các địa bàn Yên Cát, Hóa Quỳ, Cát Vân, Cát Tân, Xuân Bình… Người Thổ ở Thanh Hóa có nhiều dòng họ như Lê, Đinh, Trần, Hà, Nguyễn, Trương... Trong đó họ Lê và họ Đinh chiếm đa số.
Dù dân số không đông nhưng người Thổ vẫn gìn giữ nhiều phong tục, tập quán truyền thống, đặc biệt là các nghi lễ gắn liền với đời sống nông nghiệp. Trong đó, Lễ mừng cơm mới là một nghi thức quan trọng, một tín ngưỡng nông nghiệp cổ xưa được đồng bào gìn giữ.

Trong hệ thống quan niệm vạn vật hữu linh, người Thổ tồn tại bền vững tín ngưỡng thờ hồn lúa, giữ hồn lúa ở trong nhà. Lễ mừng cơm mới được tổ chức 2 lần mỗi năm, vào tháng 5 và tháng 10 âm lịch, sau khi thu hoạch lúa vụ chiêm và vụ mùa. Với đồng bào Thổ, cây lúa có linh hồn, là “Lúa Mẹ”, vị thần mang lại sự sống và sinh sôi cho con người. Vì vậy, trước ngày gặt lúa, người Thổ thực hiện nghi lễ “mời hồn lúa” về nhà bằng cách ngắt 3–5 bông lúa đẹp nhất, đem treo ở nơi sạch sẽ, cao ráo cạnh bàn thờ tổ tiên, sau đó mới ra đồng thu hoạch. Khi gặt lúa về các gia đình phơi khô và làm Lễ mừng cơm mới.
Thầy Mo Lê Văn Tưởng ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, trong các nghi lễ nông nghiệp, cúng cơm mới là một trong những nghi lễ quan trọng và linh thiêng nhất của người Thổ. Nếu Lễ tra hạt, Lễ báo ân liên quan đến tín ngưỡng thờ thần thổ công thổ địa - thần đất, thì cúng cơm là một tín ngưỡng dân gian để dâng cúng và tri ân tổ tiên đã có công khai phá đất đai, ngầm phù giúp cho con cháu chân cứng, đá mềm, làm ăn thuận lợi.
“Khi được mùa là không bao giờ quên ơn. Thứ nhất là sự bảo vệ của ông thổ công. Thứ hai là những người đã khuất, họ phù hộ cho mình sức khỏe, cho mình trí sáng tạo, chăm lo bảo vệ ngoài đồng ruộng. Cho nên con cháu khi đã có miếng ăn mới rồi thì không bao giờ quên ơn các vị”, Thầy Mo Lê Văn Tưởng nhấn mạnh.

Lễ cúng cơm mới đầu tiên là để ăn mừng một vụ mùa bội thu, ăn mừng lúa thóc đầy bồ. Ngoài ra, đây cũng là dịp để người dân cúng thần linh, cúng hồn lúa, cúng tổ tiên, gửi gắm những mong cầu về sức khỏe cho gia đình, mưa thuận gió hòa cho một mùa vụ tươi tốt và những điều may mắn đến với gia đình và người dân trong bản. Đặc biệt, đây còn là dịp để mọi người quây quần lại cùng vui chơi, vì thế Lễ được làm ở cả 2 nơi, cộng đồng làng, bản và ở gia đình. Công tác chuẩn bị cho buổi lễ được người Thổ tiến hành chu đáo, nhiều công việc phải tiến hành từ rất sớm như nuôi gà, nuôi lợn... đặc biệt không thể thiếu rượu để mời khách tới dự lễ.
Khi thầy Mo, người chủ trì nghi lễ, chọn được ngày lành tháng tốt, lễ vật được chuẩn bị gồm 2 mâm, 1 mâm cúng mời thổ công, các thần linh thổ địa, 1 mâm cúng gia tiên.

Lễ vật ở mâm cúng thổ công, thần linh thổ địa là mâm chay gồm có hoa quả, bánh kẹo, trầu, cau, rượu, muối, gạo, keo (là 2 thanh nứa). Mâm cúng gia tiên là cỗ mặn gồm: 1 con gà, 1 đĩa xôi, 1 chai rượu, 1 bát/chén nước giếng hoặc nước mưa (người Thổ gọi là đọi nước lã), 1 đinh tiền, 1 đinh vàng, 1 bát cơm mới, 1 đĩa cá 3 - 5 miếng, 3 - 5 miếng trầu và 3 - 5 miếng cau, bánh, keo (là hai thanh nứa)… để cáo với tổ tiên, thể hiện lòng thành kính của con cháu và cầu xin gia tiên phù hộ cho mọi người mạnh khoẻ, làm ăn thuận lợi và phát đạt, mùa màng bội thu.
Trong số các vật phẩm dâng cúng không thể thiếu món bánh ú. Bà Lê Thị Dung, 80 tuổi ở Yên Cát, Như Xuân, Thanh Hóa kể rằng, người Thổ khi làm bánh ú để dâng cúng trong ngày Lễ mừng cơm mới thì nhất thiết phải dâng 12 chiếc và đặc biệt họ không bao giờ làm bánh ú có nhân. “Ngày xưa mình đi hỏi vợ cho con trai cũng mang chục 12 chiếc, chứ không phải chục 10. Bánh ú này phải không có nhân. Nếu bánh ú có nhân nghĩa là người con dâu mới đã mang thai rồi, như thế là điều kiêng kị với người Thổ và không được thần linh, tổ tiên công nhận đâu”.

Trong lễ cúng, thầy Mo đóng vai trò trung tâm, là cầu nối giữa gia chủ với tổ tiên và thần linh. Thầy đọc các bài văn khấn, bày tỏ lòng biết ơn và nguyện cầu cho một mùa vụ mới mưa thuận gió hòa, người người mạnh khỏe, bản làng sung túc.
Sau khi bài khấn thần linh, thổ địa xong Thầy Mo sẽ tung Keo (là 2 thanh nứa khắc hai vạch, vật linh thiêng của thầy Mo, được truyền từ đời này sang đời khác chứ không làm mới), để biết thần linh có chấp thuận lễ vật và lòng thành hay không. Thầy Mo cầm keo trên tay, cứ sau mỗi lần khấn là lại xin/gieo quẻ thả xuống mặt chiếu 1 lần. Tùy vào từng giai đoạn nghi lễ sẽ có cách gieo quẻ khác nhau. Xin được rồi thầy Mo sẽ hô lớn báo hiệu với con cháu, lúc này con cháu vui mừng chuyển sang phần cúng gia tiên, kết thúc phần cúng thần linh thì thầy Mo sẽ đứng dậy vãi muối gạo ra xung quanh.
Đặc biệt, đồng bào Thổ tin rằng để có một mùa màng bội thu, thì sự phù hộ của trời đất, của tổ tiên là rất quan trọng, bởi vậy con cháu không dám ăn trước. Nếu ăn trước, cây lúa sẽ mất linh, mùa vụ sau không tốt. Vì thế, cơm mới dâng cúng gia tiên trước, sau đó mới dọn ra cho cả gia đình và cộng đồng thưởng thức.
Bên cạnh yếu tố tâm linh, Lễ mừng cơm mới còn là dịp để người Thổ sum họp, vui chơi và gắn kết cộng đồng. Sau phần lễ là phần hội, tiếng cồng chiêng vang lên, người dân trong bản cùng múa hát, uống rượu cần, chia sẻ thành quả lao động. Trẻ em mặc áo mới, người lớn kể chuyện mùa màng, trao nhau lời chúc an lành. Nhiều trò chơi dân gian cùng những điệu dân ca dân vũ cũng được tổ chức, kéo dài từ sáng đến đêm, mang đến không khí náo nức, ấm áp tình làng nghĩa xóm.

Lễ mừng cơm mới là bức tranh sinh động, phản ánh chiều sâu tâm thức nông nghiệp của đồng bào Thổ. Đây không chỉ là một nghi lễ tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt cộng đồng quan trọng, nơi những giá trị nhân văn, niềm tin, tình cảm và truyền thống được gìn giữ và tiếp nối.
Dù cuộc sống ngày nay đã có nhiều đổi thay, đồng bào Thổ ở Thanh Hóa vẫn duy trì nghi lễ này như một phần không thể thiếu trong nhịp sống thường niên. Giữa nhịp sống hiện đại, những nghi lễ truyền thống như Lễ mừng cơm mới chính là sợi dây gắn kết cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hóa và tôn vinh giá trị lao động của con người với trời đất.