Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày “non sông một dải, Bắc - Nam một nhà”, với nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, cảm xúc thật trọn vẹn. 11 năm lao tù với biết bao nhục hình thâm độc vẫn không thể khuất phục được niềm tin và ý chí sắt đá của người nữ cựu tù Côn Đảo ấy. Để đến hôm nay, trải qua bao thăng trầm, chứng kiến bao đổi thay của đất nước - từ nghèo khó vươn lên, từ chia cắt đến hội nhập, bà lại khẳng định niềm tin son sắt ấy, vững tin vào thế hệ hôm nay và mai sau, tin vào sự lớn mạnh hùng cường của dân tộc khi bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.

Cái giá của hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước
PV: Thưa bà, cảm xúc lúc này trong bà có lẽ thật đặc biệt, khi mà bà vừa là một nhân chứng và cũng là một nhà lãnh đạo đã từng đảm nhiệm rất nhiều những vị trí quan trọng của đất nước?
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Chắc là tôi cũng giống như tất cả chiến sĩ và đồng bào của đất nước Việt Nam mình, rất là vui mừng, phấn khởi, náo nức trong dịp kỷ niệm 50 năm này. Mới đó mà đã nửa thế kỷ đi qua, đến bây giờ thì đất nước đã có sự phát triển rất là lớn mạnh, có thể nói là hình hài của Tổ quốc mình ngày càng đẹp hơn. Trên tất cả các lĩnh vực, công tác đối nội, đối ngoại đều có sự phát triển rất là tốt…
Và mỗi người trong chúng ta đều có dịp nhìn lại để thấy rằng hòa bình, độc lập, tự do mà mình có được ngày hôm nay nó quý giá đến nhường nào, đã phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, xương máu, hy sinh của biết bao những người đi trước. Vui lắm mà cũng chạnh buồn khi nhớ về các đồng đội của mình đã hy sinh. Nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận thôi, đó cũng là lẽ đương nhiên bởi trong thắng lợi thì bao giờ cũng có sự mất mát. Chỉ mong các thế hệ sau này hiểu được rằng đối với Việt Nam mình để có được độc lập tự do ngày hôm nay chúng ta đã phải đánh đổi quá lớn.
PV: Vâng thưa bà, quay trở lại một chút với những câu chuyện ký ức. Vào thời điểm chúng ta thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 - một cột mốc rất đáng nhớ, không chỉ với riêng bà?
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Tôi thì ở tù là chủ yếu, người ta có thể bị bắt tù nhiều lần cộng lại, nhưng mà tôi chỉ có một lần thôi, nhưng tới 11 năm. Trước ngày 30 tháng 4 thì tôi được trả tự do mà trả tự do vô điều kiện, có nghĩa là không có chấp nhận ký tá gì hết, không có điều kiện gì hết. Tôi được cơ sở đưa ra vùng giải phóng, đến ngày khoảng ngày 20 tháng 4 thì được Thành đoàn lên đón về, nhận lệnh tham gia xuống đường cùng Thành đoàn. Chúng tôi bắt đầu đi nhưng mà vừa đi vừa chờ, vừa đi vừa nghe ngóng, theo dõi tình hình. Đến gần tới ngày 30 tháng 4 chúng tôi đã về tới Hóc Môn. Tôi vẫn nhớ rõ không khí lúc đó bà con phấn khởi lắm, thấy bộ đội đi như thế bà con cũng hiểu rằng là thời cơ tình hình bây giờ đã chín muồi rồi, ai cũng vui, cũng náo nức.
Lúc 11 giờ rưỡi trưa ngày 30 tháng 4 là chúng tôi đến ngã ba ở Tân Bình, sát nách Sài Gòn rồi. Đúng lúc đó nghe tiếng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tất cả mọi người nhảy cẫng lên reo hò mừng rỡ. Bấy giờ xe cộ chật cứng đông lắm, kẹt ngay ở chỗ Tân Bình rất lâu, hàng tiếng đồng hồ không đi được. Dưới đất thì quần áo địch lột ra đổ đống như đống lúa, rồi nón sắt này kia nó cũng đổ tùm lum hết…
PV: Lúc đó bà đã nghe tin chiến thắng qua Đài Phát thanh?
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Đúng, chúng tôi nghe qua Đài Phát thanh, cứ rừng rực từng giây, từng phút theo dõi tình hình chiến thắng tới đâu rồi, tới đâu rồi. Khi nghe thấy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì sung sướng lắm, mọi người reo hò, nhảy cẫng lên, “Dương Văn Minh đầu hàng rồi”, “Sài Gòn giải phóng rồi”… Cứ thế đi dọc hai bên đường, nhóm này gặp nhóm kia đều hò reo lên cũng là thông tin với nhau, phấn khởi, hạnh phúc lắm.

PV: Thưa bà, ngày thống nhất là một dấu mốc quan trọng của cả dân tộc chúng ta, nhưng cũng là một dấu mốc có lẽ cũng rất đặc biệt riêng đối với gia đình bà?
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Đúng là như vậy. Gia đình tôi thì cả nhà tham gia cách mạng, nói chung là hy sinh gian khổ ai cũng trải qua hết. Trong sáu chị em chúng tôi thì có bốn người đã ở tù, riêng chị hai tôi ở tù hai lần, thậm chí là án tử hình, còn sanh bé ở trong tù. Và nếu mà cộng dồn lại thì gia đình chúng tôi đã là 48 năm tù.
Thực ra khi đã dấn thân vào con đường cách mạng thì chúng tôi đều ý thức được rằng, thứ nhất mình có thể bị ở tù, thứ hai là có thể bị hy sinh, vì mình chiến đấu trong lòng địch mà. Nên mình luôn có sự chuẩn bị cho điều đó, kể cả sự hy sinh cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng mình luôn có một lòng tin tuyệt đối, tin vào Đảng, tin vào Bác Hồ, tin vào sự sáng suốt chính nghĩa và tin vào chính con đường mình đã chọn. Chính lòng tin tuyệt đối đó đã tạo thành sức mạnh và không gì có thể lay động được mình.
Cho nên giải phóng thì sung sướng vô cùng, ngày vui của cả dân tộc nhưng cũng là ngày vui, ngày đặc biệt may mắn với gia đình tôi khi được gặp lại nhau, được đoàn tụ sau bao nhiêu năm xa cách, ly tán.
Hành trình 50 năm và bài học đoàn kết, thống nhất
PV: Thưa bà, chặng đường 50 năm đã qua, cho đến thời điểm này để nói về sự đổi thay phát triển của đất nước, của dân tộc, hẳn bà có rất nhiều điều chiêm nghiệm?
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Tôi thấy 50 năm qua đất nước mình đã đạt được quá nhiều kết quả. Đó là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng, của tư tưởng của Bác Hồ. Nhưng mà tôi nghĩ cái quan trọng nhất là có sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân, của Đảng, thì chúng ta mới có được sự nghiệp này. Cho nên tôi nghĩ bài học thống nhất đoàn kết tạo thành sức mạnh thật sự nội lực của Việt Nam. Chúng ta cần phải luôn ghi nhớ điều đó, đừng bao giờ lơ đễnh.
PV: Vậy với bà thì những thành tựu nào là ấn tượng nhất trong chặng đường 50 năm qua?
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Tôi nghĩ chắc có lẽ kinh tế là thành tựu ấn tượng nhất. Bởi vì sau giải phóng thì nói chung là chúng ta không đổ nát như những cuộc chiến tranh khác, nhưng mà rõ ràng là cũng chịu nhiều cái nặng nề để lại. Song chúng ta đã khắc phục được điều đó và từ đó vực dậy được kinh tế, có những lúc có thể nói là xuống vực thẳm rồi, nhưng chúng ta đã bứt phá đứng dậy. Từ đó tạo thành những bước đột phá đi lên, vươn lên.
Nếu kiểm điểm mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới thì tôi cho rằng chúng ta cũng phải rất tự hào. Thứ nhất là mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Thứ hai là mục tiêu mọi người đều biết chữ, được cắp sách đến trường, được đi học. Thứ ba là vấn đề bình đẳng giới. Đó là ba cái rất sáng của Việt Nam trên diễn đàn của thế giới.
PV: Vừa rồi bà con nói đến tinh thần đoàn kết, nhưng bà có nghĩ rằng trong hành trình đó thì chúng ta cũng sẽ cần nói đến cả những giá trị về văn hóa, phẩm chất, nhân cách và sức mạnh của con người Việt Nam?
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Điều đó thì quá đúng, quá có ý nghĩa bởi vì văn hóa của Việt Nam chính là cái hồn của dân tộc. Chúng ta đi tới đâu thì văn hóa của Việt Nam nó lan tỏa và nó cũng truyền cảm hứng cho các dân tộc khác, cho những người khác… Người Việt Nam rất có bản lĩnh, nhờ vậy chúng ta mới mở cửa hội nhập được với bên ngoài. Chúng ta chắt lọc được tinh hoa của thế giới nhưng đồng thời cũng bài bác được những cái nọc độc, những cái xấu xa… Thì đó cũng chính là bản lĩnh của người Việt Nam, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Thế nên tôi cho rằng kinh tế - văn hóa - xã hội, đó là những trụ cột rất quan trọng trong phát triển của đất nước.

Việt Nam sẽ còn kể tiếp những câu chuyện vinh quang
PV: Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nói rằng chúng ta lại bắt đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bà tin tưởng và kỳ vọng ra sao với kỷ nguyên mới của đất nước? Và theo bà những thành công của 50 năm qua sẽ tạo tiền đề như thế nào cho chúng ta bước vào kỷ nguyên này?
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Tôi nghĩ rằng kỷ nguyên mới sẽ được bắt đầu từ Đại hội 14 nhưng cần phải làm rõ nội hàm niềm tin mới. Chúng ta phải phát huy, phát triển được tầm vóc của dân tộc, để làm sao cho đất nước chúng ta được hùng cường, giàu mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Và những kết quả, thành tựu của 50 năm qua, đặc biệt chặng đường từ sau đổi mới, sẽ chính là nền tảng vững chắc cho những bước đi tới.
Thì tôi rất tin, đặc biệt tin cậy ở lớp trẻ, tin vào sức mạnh thật sự, tin vào nội lực của chúng ta, cũng giống như ngày xưa khi chiến đấu với kẻ thù chúng ta cũng có lòng tin là chúng ta nhất định thắng lợi, đất nước nhất định thống nhất. Cho nên bước vào kỷ nguyên mới thì tôi cũng tin rằng chúng ta, cả dân tộc này khi hiểu đúng, hiểu đủ thì sẽ hành động một cách rất quyết tâm, quyết liệt và chúng ta sẽ thực hiện được, sẽ đạt được những điều mà chúng ta đang đặt ra hôm nay.
PV: Và chúng ta sẽ còn tiếp tục kể với thế giới nhiều câu chuyện thành công hơn nữa của Việt Nam, thưa bà?
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Nhất định rồi, Việt Nam sẽ có nhiều câu chuyện rất là hay. Chúng ta sẽ là những người bạn rất tin cậy của thế giới và chúng ta tự hào khi đi ra thế giới. Tôi rất tự hào về người Việt Nam mình và tôi tin rằng các thế hệ kế tiếp của chúng ta nếu được giáo dục đầy đủ về truyền thống về ý thức, trách nhiệm… thì sẽ tiếp tục quãng đường đi tới với những thành công tiếp nối sau này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!