Bạo lực trẻ em là tội ác

Một vụ án xảy ra năm 2020, bé gái Nguyễn Ngọc Minh Minh 3 tuổi (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) ở với mẹ và cha dượng 24 ngày thì bị bạo lực dẫn đến tử vong. Đó là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Công an cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2000 vụ trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Trong số này, không ít nạn nhân sống trong hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn, ly thân.

Mặc dù không phải gia đình nào bố mẹ ly hôn, trẻ em cũng bị bạo lực nhưng các em chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Hậu ly hôn, nhiều đứa trẻ trở thành công cụ trút giận của bố mẹ hoặc của cha dượng, mẹ kế.

Phóng viên VOV theo đuổi đề tài này trong 3 năm để có thể tiếp cận được nhiều nguồn thông tin vốn khắt khe và nhạy cảm. Đó là âm thanh tư liệu những lần xét xử vụ án của tòa án và luật sư, gặp gỡ phạm nhân trong tù, bà ngoại của cháu bé, bố đẻ của kẻ gây án… Ngay từ đầu, không một ai liên quan đến vụ án này muốn chia sẻ với phóng viên. Họ muốn nhanh chóng khép lại vụ án và quên đi, bởi đó là nỗi xấu hổ của cá nhân và gia đình. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian để xây dựng lòng tin với các nhân vật và được tiếp cận những thông tin chân thật như cách nhân vật nói “họ chưa từng nhận ra trước khi gặp phóng viên”.

Nghe chương trình tại đây:

Chương trình phát thanh “Minh Minh” là hành trình của nỗi đau và thức tỉnh. Minh Minh trở thành nhân vật chính đặc biệt khi không có băng phát biểu nào trong tác phẩm dài hơn 30 phút được đặt theo tên của cô bé! Viết về vụ án đặc biệt này, chúng tôi muốn đi đến ngọn nguồn lý giải tại sao trẻ em lại bị bạo lực từ chính người thân trong gia đình? Và làm thế nào để trẻ em sống an toàn trong gia đình có bố/mẹ ly hôn? Chương trình cũng là sự kết nối cộng đồng và mỗi người hãy “Lắng nghe trẻ bằng trái tim và bảo vệ trẻ bằng hành động”.

Cập nhật: Chương trình đã giành được Giải khuyến khích của Ban Giám khảo, hạng mục “Tài liệu phát thanh” năm 2023 của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (ABU PRIZES 2023).