Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là chương trình Ocop), tỉnh Sóc Trăng đã gấp rút xây dựng đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030. Đề án này của tỉnh nhanh chóng được cộng đồng cũng như các doanh nghiệp chế biến sản xuất các sản phẩm đặc sản địa phương ủng hộ cao và tạo thành một sân chơi chung đầy hứng khởi. Nhờ đó Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh phát triển tương đối mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm, với số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP đứng nhóm đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ đa dạng về mẫu mã, bao bì, các sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng luôn được đánh giá có chất lượng cao và sự đón nhận của người tiêu dùng.

Tính tới thời điểm cuối năm 2020, trên cơ sở đánh giá của Hội đồng cấp tỉnh đã xếp hạng được 99 sản phẩm ocop, vượt 2,8 lần so với mục tiêu đề ra, trong đó có 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 75 sản phẩm đạt hạng 3 sao với sự tham gia của 52 chủ thể gồm 17 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã và 24 hộ kinh doanh. Đặc biệt trong năm 2020, tỉnh Sóc Trăng cũng đã lập hồ sơ trình Trung ương 8 sản phẩm Ocop đạt hạng 4 sao để tham gia đánh giá phân hạng cho sản phẩm Ocop cấp quốc gia 5 Sao.

Là địa phương thuần nông, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng có rất nhiều sản vật nổi tiếng. Tuy nhiên, việc khai thác những sản phẩm này còn hạn chế cả về thương hiệu và thị trường tiêu thụ. Chỉ đến khi thực hiện Chương trình OCOP, thị xã Ngã Năm mới đang từng bước “đánh thức” tiềm năng phát triển của các sản phẩm, từng bước cải thiện thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Là một trong những chủ thể Ocop đầu tiên của Thị xã Ngã Năm, anh Dương Minh Trung, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cẩm Thiều vô cùng hào hứng với chương trình này.

Tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ ngành Quản trị kinh doanh năm 2011, anh Dương Minh Trung trúng tuyển vào làm việc cho một công ty phân bón ngay trên địa bàn. 2 năm lao động vất vả, nhưng mức thu nhập cũng chẳng đủ nuôi sống chính bản thân, bởi vậy anh quyết định nghỉ việc, quay về “khởi nghiệp” ngay trên chính mảnh đất của gia đình. Ngành nghề được anh lựa chọn là chế biến các sản phẩm từ quả mãng cầu gai tươi với thương hiệu Cẩm Thiều như trà, nước ngọt, mứt, bánh kẹo….

Vạn sự khởi đầu nan với muôn vàn khó khăn nhưng dần dần bằng chất lượng của sản phẩm, thương hiệu Cẩm Thiều ngày càng khẳng định tên tuổi và có chỗ đứng trên thị trường tỉnh Sóc Trăng.

Không chỉ khẳng định chỗ đứng trên thị trường nội tỉnh, anh Trung quyết định dành vốn đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm để mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt ngay sau khi tỉnh Sóc Trăng triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, Công ty Cẩm Thiều đã mạnh dạn tham gia và được Chi cục Phát triển nông thôn chọn, tư vấn hỗ trợ thiết kế bao bì, kiểu dáng, nhãn mác và các tiêu chí về an toàn cho người tiêu dùng...Với sự hỗ trợ đó, đến nay các sản phẩm trà của Công ty Cẩm Thiều đều được xếp hạng OCOP 4 sao và đã có mặt ở nhiều địa phương trên cả nước.

Anh Dương Minh Trung chia sẻ, đối với một tỉnh khó khăn như Sóc Trăng để phát triển sản phẩm Ocop được chứng nhận 4 sao đã tạo cho công ty niềm hứng khởi, là động lực để phát triển tốt hơn hoàn thiện tốt hơn sản phẩm. Ngoài ra, khi sản phẩm được chứng nhận Ocop thì việc quảng bá phát triển thương hiệu có nhiều thuận lợi hơn người tiêu dùng cũng dần tiếp nhận hơn.

Hiện nay ngoài các sản phẩm trà chế biến từ quả mãng cầu gai, Thị xã Ngã Năm đã và đang khai thác các sản phẩm tiềm năng khác của địa phương để phát triển thành sản phẩm OCOP như cá rô đồng không xương, du lịch chợ nổi…. Đặc biệt, một thương hiệu nổi tiếng khác của thị xã Ngã năm là gạo sữa An Cư tại xã Tân Long. Đây là sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và đang hấp dẫn người tiêu dùng về chất lượng gạo ngon, dẻo cơm và có hương vị đậm đà. Theo ông Nguyễn Hồng Nhật, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Ngã Năm, khi gạo sữa được chứng nhận sản phẩm OCOP, khách hàng cũng biết đến nhiều hơn.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Nhật, gần 3 năm qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm như một cú hích để đánh thức tiềm năng và xây dựng sản phẩm có thương hiệu một cách bài bản, bền vững cho một địa phương thuần nông như Ngã Năm. Nhờ đó không ít sản phẩm đặc sản từ tài nguyên bản địa được ra đời và đến với người tiêu dùng, tạo thêm tính da dạng cho danh sách các nông sản đặc trưng của thị xã.

“Chương trình này đã tác động rất mạnh đến kinh tế xã hội của địa phương. Về mặt tổ chức sản xuất đã gom được các hộ sản xuất nhỏ lẻ thành hợp tác xã đầu tư máy móc để biến những sản phẩm từ truyền thống, thủ công thành những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, hai là nâng cao giá trị thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân, hạn chế sự di cư của lao động”. Ông Nguyễn Hồng Nhật khẳng định.

“Mỗi xã một sản phẩm”, dẫu mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, nhưng tỉnh Sóc Trăng đã và đang xây dựng như một điểm sáng trong chương trình nông thôn mới, vừa góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân vừa là hành trình thay đổi tư duy về kinh tế nông thôn…..