Hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao việc Quốc hội đưa ra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, các đại biểu cho rằng, đây là giải pháp nhằm tạo cơ chế tạo hành lang pháp lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị năm 2009 với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, sự hỗ trợ của Trung ương, Thừa Thiên - Huế đã đạt thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hóa xã hội quốc phòng, an ninh. “Tuy nhiên, mục tiêu cơ bản là đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện được. Chúng tôi đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48 và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54. Nghị quyết này đã mở ra chiến lược phát triển cho Thừa Thiên - Huế đến 2025, 2030 và tầm nhìn đến 2045. Nghị quyết này nêu lên cần có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho Thừa Thiên - Huế. Và mấy nhiệm kỳ qua chúng tôi loay hoay tìm hướng đi riêng cho tỉnh và việc Chính phủ trình Quốc hội kỳ này thông qua nhằm hỗ trợ tỉnh huy động thêm nguồn lực đầu tư phát triển, giúp cho tỉnh có điều kiện phát triển đô thị, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây là điều hết sức cần thiết.", ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ.

Ông Phạm Viết Lượng, ĐBQH tỉnh Bình Phước cũng cho rằng: "Với những cơ chế, chính sách đặc thù như tăng dư nợ công, phân bổ có mục tiêu thông qua hoạt động tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, tăng chi tiêu ngân sách thường xuyên sẽ tạo ra động lực lớn, tạo ra năng lực tài chính mới để Nghệ An và Thanh Hóa có thể phát triển mạnh mẽ, trở thành tiềm lực kinh tế khu vực Bắc Trung bộ”.

Cơ chế đặc thù dành cho các địa phương tập trung vào bốn nhóm ưu tiên là: cơ chế tài chính - ngân sách, cơ chế về đất đai, cơ chế về quy hoạch và cơ chế về phân quyền cho địa phương.

Đối với một thành phố cảng biển phát triển như Hải Phòng, đang phát triển như Thanh Hóa, Nghệ An hay đô thị cổ như Thừa Thiên - Huế, thì công tác quy hoạch mang tính chất rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển lâu dài của từng địa phương. Nhưng nếu trao trách nhiệm, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho chính quyền địa phương sẽ dẫn đến bất cập.

“Khi làm quy hoạch ở một địa phương thì đều có các quy trình và đã xin ý kiến các cấp và HĐND. Thế nhưng khi điều chỉnh quy hoạch, trên thực tế, lại chỉ có một đồng chí Phó Chủ tịch UBND ký là xong. Mà điều chỉnh quy hoạch đa phần là điều chỉnh cục bộ, nên vòng lặp theo chu trình lại không được thực hiện như khi xây dựng quy hoạch, dẫn đến quy hoạch không sai nhưng khu trú từng bộ phận lại không được mạch lạc lắm. Nên chăng Chính phủ có một định chế nào đấy để cho chặt chẽ hơn, nhất là với các quy hoạch khu chức năng, quy hoạch khu đô thị.”, ông Lê Quang Huy, ĐBQH tỉnh Bình Thuận phân tích.

Đối với việc phân quyền cho chính quyền bốn địa phương trong việc chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn. “Trước đây nếu thông qua quy hoạch dưới 50 ha đất rừng, dưới 500 ha đất trồng lúa hai vụ phải là thẩm quyền của Thủ tướng, thì nay được giao cho HĐND cấp tỉnh. Tuy nhiên, nếu không đề cập kỹ đất rừng ở đây là đất rừng đặc dụng hay rừng phòng hộ, là vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt hay chỉ là vùng ven. Nếu là quan trọng, mang tính phòng hộ thì vẫn nên là thẩm quyền của Thủ tướng. Chúng ta không nên đặt các cơ chế chính sách theo số lượng như vậy mà cần nói rõ về chất lượng, để tránh làm khó cho công tác quản lý. Nếu để cấp HĐND tỉnh quyết quy hoạch cho 500 ha đất trồng lúa 2 vụ thì vấn đề lại rất lớn. Bởi diện tích như vậy ở vùng đồng bằng là mấy xã, có hàng vạn dân, trong khi 4 địa phương này khu vực đồng bằng vốn rất ít. Nếu HĐND cấp tỉnh quy hoạch không tốt, không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực mà còn ảnh hưởng tới an sinh xã hội.”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành tỉnh Thái Nguyên đưa ra ý kiến.

Rừng ở khu vực các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên-Huế nằm chung trong một tổng thể. Vì thế rất khó nói thay đổi quy hoạch hay mục đích sử dụng rừng ở tây Thanh Hóa lại không ảnh hưởng gì tới môi trường, cảnh quan của rừng tây Nghệ An hay khu vực A Lưới của Thừa Thiên - Huế. “Đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, thì cần phải có quy định chặt chẽ hơn khi phân quyền cho HĐND cấp tỉnh. Bởi vì nếu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì quy trình rất chặt chẽ, nhưng khi giao xuống ủy quyền cho HĐND thì quy trình lại khác. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất này thì có đảm bảo được quy hoạch tổng thể không?”, bà Nguyễn Vân Chi, ĐBQH tỉnh Nghệ An đặt câu hỏi.

Đánh giá cao việc Quốc hội đưa ra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, các đại biểu cho rằng, đây là giải pháp nhằm tạo cơ chế tạo hành lang pháp lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Trước đây, cũng đã có Nghị quyết cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng,…Vì vậy việc ban hành Nghị quyết và thực hiện đồng bộ các Nghị quyết áp dụng với các thành phố trực thuộc Trung ương để các thành phố đều có cơ chế đặc thù như nhau, bảo đảm tính tương đồng.

Để các địa phương dễ thực hiện, không có sự phân biệt trong khung pháp luật, Quốc hội cần có sự đánh giá, xem xét quá trình thực hiện các Nghị quyết theo từng năm để tiếp tục triển khai nhân rộng, áp dụng hiệu quả tại các địa phương khác. Trong quá trình thực hiện, cân nhắc khoản quy định về việc chuyển tiếp, để thi hành cho chặt chẽ, nhất là vấn đề khi Nghị quyết này đang thực hiện lại có sự thay đổi bởi một văn bản pháp luật có tính chất pháp lý cao hơn.