Mẹ bệnh, chị gái khuyết tật thần kinh đang hưởng bảo trợ xã hội, ba là lao động tự do ngày thu nhập chỉ từ 2-300 nghìn đồng nên 4 anh chị của em Nguyễn Văn Mến ở phố Trần Quý Cáp, phường Phương Sài, thành phố Nha Trang chỉ học hết lớp 9 là nghỉ học để đi làm, phụ giúp gia đình. Mến là con út nên được ba mẹ ưu tiên cho đi học hết lớp 12. Năm ngoái, em đỗ vào khoa Marketing, trường Đại học Nha Trang. Cùng với niềm vui đỗ đại học là nỗi lo lấy đâu ra tiền đóng học phí. Được tin Mến đỗ đại học, ông Lợi, tổ trưởng dân phố cũng là tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã nhanh chóng tới nhà, động viên ông Nguyễn Văn Giàu, ba Mến, vay vốn cho con đi học.

Mặc dù mức vay ưu đãi tối đa của chương trình tín dụng học sinh, sinh viên là 4 triệu đồng/tháng nhưng ông Nguyễn Văn Giàu, ba của Mến quyết định chỉ vay 3 triệu. Với mức học phí ngành Marketing ở Đại học Nha Trang vào khoảng từ 6 đến 8 triệu đồng/kỳ, khoản tiền này đủ để trang trải việc học hành của em.

Chia sẻ của em Nguyễn Văn Mến về niềm vui khi được tiếp tục con đường học tập:

Cũng cảnh nhà nghèo, đông con như gia đình ông Giàu, gia đình chị Nguyễn Thị Phước Thanh ở thôn Thống Nhất, xã Cam Phước Đông, thành phố Cam Ranh làm đủ mọi việc để có thu nhập cho con đi học. Nhà 6 đứa con nên nếu không vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Thanh không lo nổi tiền ăn học cho con. Đến giờ, các con chị lần lượt ra trường, người làm giáo viên mỹ thuật, người làm cho công ty bất động sản. Cô chị lớn nhất về quê, cùng mẹ mở xưởng may, tạo công ăn việc làm cho trên 30 lao động. Doanh thu tháng ít nhất cũng trăm triệu đồng.

Chị Nguyễn Phương Khánh, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phương Sài, thành phố Nha Trang cho biết, nhiều gia đình như gia đình ông Giàu, bố của em Mến, dù con học được, nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sợ nợ không trả được nên không dám vay vốn Nhà nước để cho con đi học. Các cán bộ hội như chị và các tổ trưởng vay vốn phải tới tận nhà, động viên ba mẹ các em mạnh dạn vay vốn đầu tư cho tương lai của con em mình. Thời gian vay vốn kéo dài, lãi suất chỉ có 0,55%, thấp hơn rất nhiều so với vay tín dụng đen bên ngoài. Theo chị Khánh, vay như vậy, đầu tư cho con đi học là hợp lý.

Ở Khánh Hòa những năm qua, nhờ được vay vốn chương trình tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên, nhiều em học sinh như Nguyễn Văn Mến hay các con của chị Nguyễn Thị Phước Thanh được tới trường, hoàn thành ước mơ có tri thức, có tay nghề, có một tương lai tươi sáng hơn. Ông Tống Văn Toản, Trưởng phòng Công tác chính trị và học sinh, sinh viên, trường Đại học Nha Trang cho biết: trung bình mỗi kỳ học, nhà trường cấp khoảng 3000 giấy xác nhận cho sinh viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này của Nhà nước. Cùng với sự hỗ trợ từ Quỹ khuyến học của nhà trường, rất nhiều em đã không phải bỏ học giữa chừng. Hiện nay, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của Đại học Nha Trang là vào khoảng gần 90%, trên 70% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn.

Đánh giá của ông Tống Văn Toản về hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi dành cho HSSV:

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, kể từ khi triển khai thực hiện Quyết định 157 về tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên đến nay, đã có 50.380 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập với doanh số cho vay đạt 1.067 tỷ đồng. Theo ông Hồ Đắc Thích, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, Quyết định 157/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra lối đi cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn khi phải lựa chọn giữa việc cho con tiếp tục đi học hay bỏ học đi làm. Nhờ vay vốn ưu đãi mà các em được đi học đại học, cao đẳng, được đi học nghề không chỉ giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn mà còn là cơ sở để Khánh Hòa có nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

Ông Hồ Đắc Thích, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đánh giá về quá trình triển khai QĐ 157/2007 về tín dụng với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn: