Bảo hộ “ngược”

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh là người nêu ra bất cập trong thực hiện các chính sách pháp luật về kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. “Một số doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền than phiền là các kênh truyền hình trả tiền trong nước thì bị kiểm duyệt chặt chẽ về về nội dung, quản lý khắt khe về thuế, phí. Còn các kênh truyền hình trả tiền nước ngoài thì hầu như được thả nổi về mặt nội dung, chưa kể các khoản khác về thuế và phí”, Luật sư Nghĩa cho biết.

Ông Nghĩa cho biết, các doanh nghiệp trong nước mong muốn, nếu không đươc ưu tiên thì chí ít phải được đối xử công bằng. Ông cũng đề nghị các cơ quan liên quan có trách nhiệm xử lý vấn đề này.

Và những hệ lụy

Cả nước hiện có 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với khoảng 14 triệu thuê bao. Doanh thu một năm của các doanh nghiệp này khoảng 9 nghìn tỷ đồng. Còn tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua internet của các nền tảng xuyên biên giới hiện nay, như Netflix, Apple TV hay WeTV (Trung Quốc) đang cung cấp tại Việt Nam là khoảng 1 triệu thuê bao với doanh thu ước tính 1 nghìn tỉ đồng. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, về cơ bản, các doanh nghiệp trong nước đều tuân thủ các quy định về cấp phép, biên tập nội dung, nộp phí, đóng thuế. Song có một thực tế đáng buồn là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này lại đi xuống. Minh chứng là quý I/2020, số lượng thuê bao giảm gần 1 triệu. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này lại tăng trưởng mạnh. “Riêng quý I/2020, thuê bao của Netflix tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Hùng nêu dẫn chứng.

Kênh truyền hình nước ngoài “sống khỏe” do “ngoài vòng pháp luật”?

Trước vấn đề luật sư Trương Trọng Nghĩa nêu ra, người đứng đầu ngành truyền thông và thông tin thừa nhận có tình trạng các kênh truyền hình trả tiền nước ngoài vi phạm pháp luật của Việt Nam. “Netflix đúng là có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam như pháp luật về báo chí, điện ảnh, trẻ em, cụ thể là phản ánh sai trái lịch sử, ví dụ như loạt phim về chiến tranh Việt Nam; xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, thí dụ như phim Madam Secretary có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm”, ông Hùng nêu đích danh.

Để xử lý cần áp dụng nhiều biện pháp

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông cho biết, để xử lý vấn đề này cần áp dụng nhiều biện pháp, gồm đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam. Trong đó, có những việc cần làm ngay và làm nhanh mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện là sửa đổi Nghị định số 06/2016 về quản lý, cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. “việc sửa Nghị định này do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, đã xong và đang trình chính phủ xem xét”, ông Hùng cho biết.

Cùng với đó, là việc sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới. Việc này do Bộ Tài Chính chủ trì thực hiện.