Vẹn nghĩa nước non, trọn tình đồng đội

Về phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội, hỏi thăm gia đình ông Ngô Xuân Tự, đông đảo bà con nơi đây đều biết. Ông từng gây ấn tượng mạnh với những người cùng thế hệ bằng hành động tự chặt ngón tay trỏ để viết đơn xin ra trận.

Ông Tự cho biết, năm 1965, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, thấy cảnh giặc Mỹ ném bom phá hoại, ông đã viết đơn xin nhập ngũ. Tuy nhiên, vì chưa đủ tuổi nên ông đã bị từ chối. Để thuyết phục bộ phận tuyển quân, ông đã lấy dao chặt đầu ngón tay trỏ bên bàn tay trái, rồi bình thản rút chiếc khăn trắng trong người viết đơn. Nhớ lại hành động quyết liệt khi đó, ông Tự chia sẻ: “Ngày xưa - khi tôi còn đang đi học, thì có một số anh học cùng đi bộ đội và hy sinh. Sở dĩ các anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự vì hồi đó dù học cùng lớp nhưng tuổi không đồng đều. Mẹ tôi cũng bị địch bắn chết ngoài bờ sông trong lúc đi rải truyền đơn. Nghe theo tiếng gọi của Bác nên tôi xin tòng quân”.

Chứng kiến hành động mạnh mẽ của chàng thanh niên Ngô Xuân Tự, bộ phận tuyển quân đã đặc cách cho trúng tuyển, biên chế về Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu V. Mang trong mình nỗi căm hận với kẻ thù, ông Tự luôn chiến đấu hết mình, nhiều lần “vào sinh ra tử”.

Trong một trận đánh tại chiến trường Duy Xuyên, Quảng Nam năm 1969, ông bị thương nặng. Một mảnh đạn đâm xuyên vào sườn, một mảnh găm vào chân và một mảnh găm vào đầu. Sức khỏe suy yếu, ông được chuyển ra Bắc điều trị.

Chưa đầy một năm sau - khi sức khỏe hồi phục, ông xin trở lại đơn vị, hành quân vào Nam chiến đấu và được chuyển về Tiểu đoàn 54 tên lửa. Ông chiến đấu và tiếp tục cống hiến cho đến năm 1985 mới nghỉ hưu theo chế độ.

Là thương binh 2/4, mất 78% sức khỏe, một mảnh đạn vẫn còn găm trong cơ thể nhưng ít khi ông Tự ngơi nghỉ. Mỗi khi sức khỏe cho phép, sắp xếp được việc gia đình, ông lại thực hiện những hành trình trở về chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, những người đồng chí, đồng đội một thời. “Tôi thấy mình có duyên với việc đi tìm đồng đội. Nhiều đồng đội, khi tìm được, tôi còn thực hiện việc chuyển giao đến gia đình thân nhân”, ông Tự chia sẻ.

Cứ như vậy, suốt nhiều năm qua, ông Tự đã tìm kiếm và bàn giao nhiều bộ hài cốt liệt sỹ cho thân nhân. Với ông, đó là trách nhiệm nhưng đồng thời là hạnh phúc, bởi ông luôn tâm niệm nhờ có những đồng đội che chở, hy sinh thì ông mới sống sót trở về, lập gia đình và an hưởng hòa bình. Cũng vì thế nên ông tự hứa với lòng mình sẽ tiếp tục những hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ cho đến chừng nào sức khỏe cho phép.

Điểm tựa cho sinh viên nghèo

Gần 30 năm nay, thương binh Ngô Xuân Tự dang rộng vòng tay nhân ái, hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh và người nghèo. Có những thời điểm, ông từng trợ giúp cho khoảng 400 người bằng việc mở một xưởng in để dạy nghề và tạo việc làm. “Năm 2014, tôi bán một phần đất để mở một xưởng in, dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều đối tượng, trong đó có cả những người từng nghiện ma túy, lang thang cơ nhỡ. Bán đất không đủ, tôi còn phải vay mượn thêm cả người thân, bạn bè, thậm chí vay lãi. Thấy việc mình làm có ích cho xã hội nên quyết tâm làm”, ông Tự chia sẻ.

Hiện tại, ông Tự vẫn dành ngôi nhà của mình để làm nơi ở, đồng thời lo chi phí ăn uống hàng ngày cho một số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngôi nhà vì thế đã trở thành mái ấm, là điểm tựa để những sinh viên nghèo có thêm cơ hội, điều kiện vươn lên. Ngô Tấn Phúc, quê ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là một trong số đó. “Em ở đây được 17 năm rồi. Bố mẹ chia tay khi em mới 2 tuổi và em được ông đỡ đầu, đón về đây ở”, Phúc cho biết.

17 năm nay, Tấn Phúc luôn coi ngôi nhà của ông Tự, ở trong ngõ 56, phố Thạch Cầu, phường Long Biên, quận Long Biên là tổ ấm của mình. Tại đây, em được ông Tự xem như người thân trong gia đình. Em được chăm lo từ miếng ăn cho đến giấc ngủ và được cắp sách đến trường như bao em nhỏ.

Từ một cậu bé ngày nào, giờ đây Phúc đã trở thành sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Phúc cho biết đó là cái ơn mà suốt đời này em sẽ mang theo, vì nếu không được ông Tự cưu mang, em không biết cuộc sống và tương lai sẽ như thế nào. Với em, ông Tự vừa như người cha, vừa là người thầy. Bởi cùng với việc nuôi dưỡng, ông Tự còn dạy cho em cách “đối nhân xử thế”, thực hành lối sống giàu lòng nhân ái và có trách nhiệm với cộng đồng. “Em được đi cùng ông Tự tới nhiều địa phương để làm từ thiện. Qua đó, em học được ở ông tính thật thà, lòng nhân ái, tính tự giác và cách sống có trách nhiệm”, Phúc tâm sự.

Gia cảnh của Cà Văn Huynh, sinh viên Cao đẳng ngoại ngữ và công nghệ Hà Nội cũng thuộc diện khó khăn. Huynh cho biết, ở xã Chiềng Ngần, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, thu nhập của bố mẹ chỉ biết trông vào con gà, con lợn, cây sắn, củ khoai… Phải nuôi em ăn học dưới thủ đô là áp lực rất lớn. Đã có lúc em từng muốn nghỉ học để đỡ đần bố mẹ. Nhưng may mắn em đã được ông Tự nhận lời hỗ trợ trong một lần lên làm từ thiện. “Mẹ em vô tình quen biết ông Tự trong một lần ông về làm từ thiện. Mẹ ngỏ ý và được ông nhận lời giúp đỡ. Em đến nhà ông, được ông cho ăn, ở miễn phí. Trước đó, em thuê trọ ở ngoài, mỗi tháng tốn kém khoảng 5 triệu. Đây là khoản tiền lớn với gia đình vì bố mẹ em làm nông nghiệp, thu nhập mỗi tháng chỉ được khoảng 3 triệu”, Huynh chia sẻ.

Được ông Tự giúp đỡ về nơi ăn chốn ở, Huynh như cởi được gánh nặng tâm lý. Chỉ tập trung vào học nên kết quả học tập cũng tốt hơn trước. Em cho biết sẽ không ngừng cố gắng để đáp lại sự quan tâm, hỗ trợ của ông Tự. “Em muốn nói lời cảm ơn ông. Em hứa sẽ không làm trái lời ông chỉ dạy, em sẽ phấn đấu để trở thành người tốt, có ích cho xã hội”, Huynh thổ lộ.

Phạm Quang Tùng, quê ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cũng được ông Tự nuôi ăn và cho ở miễn phí hơn một năm nay. Em cho biết đó là sự hỗ trợ rất lớn với em và gia đình. Tuy nhiên, đó chưa phải là giá trị lớn nhất em nhận được. Bởi từ ngày về ăn, ở tại nhà ông Tự, em còn học được những bài học về đạo đức, lối sống. Thậm chí, em còn được củng cố lòng tin về một xã hội tốt đẹp. “Trước khi xuống Hà Nội, em nghĩ cuộc sống dưới này xô bồ, mọi người ít quan tâm đến nhau. Khi gặp ông Tự, em nghĩ khác, em thấy xã hội có nhiều người tốt, củng cố cho em niềm tin rằng xã hội có nhiều người tốt”, Tùng chia sẻ.

Chứng kiến sự thay đổi, trưởng thành của những sinh viên nghèo với quyết tâm vượt khó, ông Tự rất vui. Ông cho biết đó chính là món quà ông mong nhận được. “Khi các cháu vào đây ở, tôi cũng đưa ra một số quy định, vì cũng có một số cháu có những thói hư, tật xấu như uống rượu, hút thuốc… Giờ các cháu đã bỏ được rồi, học hành tiến bộ. Thấy các cháu ngoan là tôi mãn nguyện”, ông Tự thổ lộ.

Với lòng nhân ái và nghĩa cử cao đẹp, thương binh Ngô Xuân Tự đã biến ngôi nhà của mình thành mái ấm, trở thành điểm tựa để nhiều người nghèo có thêm điều kiện vươn lên. Và bằng những việc làm thiết thực, giàu ý nghĩa, ông còn đang lan tỏa lối sống yêu thương tới cộng đồng.

Ghi nhận tấm lòng và đóng góp của ông, một số cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ tới thăm, được Hà Nội trao tặng bằng khen “Người tốt việc tốt”… Ông cho biết đó là nguồn động viên rất lớn. Tuy nhiên, phần thưởng lớn cũng như niềm vui lớn nhất là mỗi khi tìm được hài cốt đồng đội, được chứng kiến sự thay đổi trong cuộc sống của những người kém may mắn. Vì lẽ đó nên ông nguyện sẽ tiếp tục thực hiện những hành trình trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm hài cốt đồng đội đã hy sinh còn thất lạc, đồng thời thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo.

Nghe bài viết dưới đây: