Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh “xanh hóa” các phương tiện giao thông. Bên cạnh lợi ích về môi trường, sự tiện lợi mà những phương tiện này đem lại cũng là yếu tố khiến nhiều người trẻ hứng thú, lựa chọn sử dụng. Lưu Hoài Thu, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, là một trong số đó.

Thu cho biết khi đỗ vào đại học, em được mẹ mua tặng một chiếc xe máy chạy xăng. Em từng rất vui và hào hứng với món quà này. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần lái xe tới trường, Thu lại đạp xe đi học.

Em chia sẻ, sự đổi thay này khởi nguồn từ những buổi truyền thông về thực trạng ô nhiễm không khí và các giải pháp bảo vệ môi trường trên giảng đường. Khi biết rằng khí thải từ xe máy và ô tô là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm, em đã quyết định dùng xe đạp đi học thay vì xe máy. Khoảng cách từ nhà tới trường cũng ngắn nên càng thôi thúc em sử dụng xe đạp nhằm chung tay giảm thiểu khí thải độc hại vào môi trường. Hơn thế, kinh tế gia đình cũng chưa hẳn khá giả, đạp xe tới trường còn giúp em tiết kiệm chi phí cho bố mẹ. “Em cũng lên mạng tìm hiểu và thấy ở các nước phát triển sử dụng xe đạp rất nhiều. Phương tiện này tốn ít chi phí mua sắm và sử dụng, hợp với khả năng tài chính của sinh viên”, Thu chia sẻ.

Quãng đường từ nhà tới nơi làm việc vừa xa vừa thường xuyên ùn tắc, từ lâu anh Phùng Xuân Bách, ở phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân chọn xe buýt để di chuyển mỗi ngày. Anh cho biết, sử dụng phương tiện công cộng không chỉ giúp anh tiết kiệm hàng chục triệu đồng mua xe máy mà còn giảm căng thẳng mỗi khi tắc đường.

Đặc biệt, từ khi tuyến xe mà anh di chuyển mỗi ngày được thay thế từ xe chạy dầu diesel sang xe buýt điện, anh càng thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. Bởi bên cạnh lợi ích về môi trường, xe buýt điện còn mang đến cho hành khách nhiều tiện ích mà những phương tiện khác không thể đáp ứng. “Tôi hay đi làm bằng xe buýt tuyến E03. Xe rộng, êm và được trang bị wifi, cổng sạc rất tiện lợi, nhất là khi điện thoại của hết pin. Xe buýt điện rất thân thiện với môi trường nên tôi nghĩ đây là xu hướng chuyển đổi tất yếu để đất nước phát triển bền vững”, anh Bách chia sẻ.

Lợi ích của việc sử dụng “phương tiện xanh” rất lớn. Theo ông Trần Quang Lâm, quản trị viên của Hội Xe Đạp Điện - Xe Máy Điện Việt Nam, đây là yếu tố khiến nhiều người từ bỏ xe máy, ô tô sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu để chuyển sang xe các phương tiện thân thiện với môi trường. Đó cũng là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. “Tôi thấy sự quan tâm của người dân về xe máy điện, buýt điện đang tăng cao. Ngoài yếu tố bảo vệ môi trường, tôi nghĩ sự tiện lợi của loại phương tiện này là yếu tố thu hút người dân trải nghiệm và sử dụng”, ông Lâm nhận định.

Thực tế cho thấy, trên các tuyến phố trung tâm, số người lựa chọn di chuyển bằng xe đạp không nhiều nhưng đã gia tăng đáng kể, nhất là từ khi Hà Nội triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp. Còn lượng người chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng sử dụng năng lượng sạch đã tăng lên rõ rệt. Điều này cho thấy nỗ lực xanh hóa giao thông của Hà Nội là hướng đi đúng, là xu thế tất yếu nên đang từng bước được người dân đón nhận.