Chuyển việc khác chấp nhận có thể phải làm lại từ đầu thậm chí nhảy việc liên tục, đây là thực tế trong giới trẻ những năm trở lại đây. Từ kinh nghiệm bản thân, chị Ngô Hà Thu, Giám đốc dòng sách ngoại ngữ của Gamma Books lý giải cũng như cung cấp thêm những kinh nghiệm cho các bạn trẻ trước câu hỏi khi nào thì nên "nhảy việc"? Cần tránh những điều gì khi "nhảy việc"?

Vì sao người trẻ không thích ổn định?

Trước khi về Gama Books, chị Hà Thu từng có 10 năm làm giảng viên khoa Sư phạm tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ, đại học Quốc gia Hà Nội. Được giao vị trí Trưởng bộ môn biên phiên dịch ở tuổi 25, trong mắt bố mẹ và người thân, chị Hà Thu khi đó đã được coi như đạt được thành tựu lớn trong sự nghiệp. Thu nhập cũng không phải vấn đề quá lớn khi với thành tích Thủ khoa đầu ra ngành biên phiên dịch, Hà Thu đã cùng lúc vừa làm giảng viên, vừa tham gia các dự án dịch sách, làm phiên dịch. Công việc bổ trợ cho nhau vừa thúc đẩy chuyên môn lẫn thu nhập. Giữa bối cảnh ấy, việc dừng hẳn giảng dạy ở đại học thực sự khó có lí do để thuyết phục bố mẹ, người thân.

"Nếu mà chỉ tiếp xúc với sinh viên thôi rất thoải mái bởi các bạn luôn có nguồn năng lượng rất trẻ và dồi dào. Tự nhìn lại thì có thể do mình cũng kém bởi khó thích ứng với nhiều cơ chế ở trường, nếu cứ tiếp tục ở lại trường có thể mình sẽ gây khó khăn cho khoa. Về năng lực của mình thì không ai nghi ngờ nhưng có thể làm quản lý ở một đơn vị quy củ, đông các thầy cô có tuổi như vậy trong khi tuổi đời còn quá trẻ khiến mình thấy làm việc không được hiệu quả”, chị Hà Thu chia sẻ.

Tuy nhiên, để tìm được lý do thuyết phục bố mẹ về quyết định này lại không dễ dàng. “Tôi phải nói nếu như mà tiếp tục làm việc kiểu này, tinh thần không thoải mái và con muốn tách mình ra khỏi công việc này một thời gian". Từ lúc ấp ủ việc xin nghỉ việc đến khi thực hiện được mình phải mất đến tận gần 2 năm”, Hà Thu nhớ lại.

Làm biên phiên dịch tự do được hơn 1 năm, chị Hà Thu quyết định đầu quân cho Gamma Books. Lần “nhảy việc” này xuất phát từ chính công việc biên phiên dịch tự do, nhiều lần có cơ hội tiếp cận với tác giả, các bản dịch và giới làm sách và Hà Thu bị tò mò sao người ta chọn những cuốn sách như thế này để dịch? không biết một cuốn sách từ lúc bắt đầu là những ý tưởng rồi thành bản thảo, đến tay độc giả sẽ được thực hiện như thế nào?... Từ công việc có thể bê laptop ngồi ở bất cứ quán café nào trong thành phố, Hà Thu trở lại với văn phòng và quản lý gần 10 thành viên trẻ từ cuối 9X đến đầu 2K. Lúc này chị còn thêm việc lo doanh thu, thu nhập cho các thành viên dưới quyền quản lý….

Theo chị Hà Thu, muốn thay đổi, muốn sự phù hợp, muốn thử cái mới và muốn thỏa mãn tò mò là những lý do để người trẻ muốn thay đổi công việc được xem như đang ổn định. Thu nhập cũng được coi như một lý do nhưng trong khá nhiều trường hợp lại không đóng vai trò chính yếu.

Làm sao để "nhảy việc" an toàn?

Rõ ràng có rất nhiều lý do để người trẻ viện dẫn khi “nhảy việc”. Điều quan trọng ở việc họ tự tin khi có tuổi trẻ, có kỹ năng tốt và không ngại ngần tiếp cận với những điều mới mẻ. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp thay đổi công việc liên tục bởi không thể thích ứng được với môi trường làm việc hay có khi vì đánh giá bản thân quá cao.

Chị Hà Thu cho rằng so với thế hệ trước thì sự tự tin của các bạn 9X, 2K hôm nay có thừa, đặc biệt với những bạn có thành tích cao trong quá trình học đại học và lại có khả năng ngoại ngữ xuất sắc. Tuy nhiên, chị Thu khẳng định nhiều bạn thiếu đi những “kỹ năng lõi”, cụ thể như việc giao tiếp bằng cả văn bản và lời nói, kỹ năng quản lý tổ chức gồm quản lý thời gian, các mối quan hệ, tài chính…tức là những vấn đề thực tế của cuộc sống, công việc đặt ra hằng ngày.

Nhiều bạn trẻ cũng từng tham gia làm thêm từ sớm nhưng công việc chỉ mang tính chất đơn giản, lặp đi lặp lại không khiến bạn vận dụng được nhiều kỹ năng khác nhau. Thêm môi trường học tập các cấp chỉ thuần túy sách vở sẽ khiến nhiều bạn “bị khớp” khi công việc luôn bị sức ép về thời gian và hiệu suất dẫn tới đổ vỡ về sự tự tin. Khi bối rối không biết đâu là nơi hạ cánh sẽ khiến bạn trẻ chuyển việc không ngừng.

Bản thân cũng có những khoảng thời gian tiếc nối công việc giảng dạy ở trường đại học, trải qua không ít lần “giá như” gần giống như một sự tiếc nuối, chị Hà Thu cho rằng phương thức để vượt qua chính là sự tỉnh táo, bình tĩnh nhìn nhận lại lý do tại sao bản thân lại quyết định chuyển việc? Những thành tựu đạt được ở vị trí mới gồm những gì? Và nếu công việc mới này vẫn cho cơ hội tiếp tục hỏi hỏi, tìm hiểu…Chừng đó lý do cũng đủ để các bạn trẻ nên tiếp tục bước tiếp con đường đã chọn.

“Tôi nghĩ rằng khi quyết định một sự thay đổi trong công việc, đặc biệt công việc đã gắn bó và là công việc tốt với nhiều người, các bạn trẻ cũng cần phải có những suy nghĩ thật thấu đáo”, chị Hà Thu nhấn mạnh.

Ngoài việc ứng xử với những tác động từ bên ngoài như bố mẹ, người thân, bạn bè đang nỗ lực giữ bạn lại với công việc cũ, chị Hà Thu cho rằng bản thân bạn trẻ cần có những chuẩn bị để bản thân không bị chông chênh hoặc hối tiếc trong mỗi lần “nhảy việc” bằng việc tự trả lời những câu hỏi kiểu như:

Bước sang công việc mới, nguồn thu, nguồn chi có thể cân đối hay không? Các mối quan hệ có đủ để mình có được một công việc ổn định hay không? Sau đó quy chiếu sang năng lực bản thân xem có thực sự đảm trách được công việc đó.

Còn với công việc mới, các bạn trẻ cần ghi ra những khó khăn sẽ gặp phải và nếu nhìn ra được ít nhất 5,6 hạng mục có khả năng giải quyết được từ kinh nghiệm, trải nghiệm bản thân sẽ tăng thêm khả năng thành công khi quyết định chuyển việc.

“Ai cũng muốn đặt mục tiêu cao thôi nhưng cao quá bạn sẽ thất bại. Một khi đã ngã thì bạn sẽ rất khó để xây dựng lại được niềm tin với bản thân. Trong giáo dục luôn luôn có 3 vùng gồm vùng an toàn, vùng học tập và vùng hoảng sợ. Nếu cứ ở mãi vùng an toàn chúng ta sẽ luôn có cảm giác ổn nhưng không thể phát triển được. Khi đẩy mình vào vùng học tập sẽ khó hơn nhưng bạn vẫn có khả năng với tới và khi đạt được những thành tựu nhất định sẽ nuôi dưỡng sự tự tin để bạn đi tiếp”, chị Hà Thu đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ có ý định “nhảy việc”.

Theo chị Hà Thu, dù là chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác cùng chuyên môn hay sang hẳn một phần việc mới, không liên quan đến chuyên môn được đào tạo thì quan trọng nhất vẫn là năng lực lõi bao gồm cả kiến thức, kỹ năng và thái độ, những phẩm chất cá nhân.

Với nhiều người thoạt nhìn công việc của họ rất nhàm chán và kéo dài trong nhiều năm, thậm chí đến tận khi nghỉ hưu thì theo chị Hà Thu thực ra bản thân họ vẫn đang tạo ra giá trị hoặc tìm được niềm vui trong công việc đó mà khi ở ngoài, người ta khó đánh giá được.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trao đổi: