Bà Ngoan, một người dân ở nhà A11, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội vẫn nhớ như in vụ cháy xảy ra vào 3 năm trước. Tầm 3 giờ sáng, khi những người dân đang ngon giấc thì ngọn lửa bùng lên ở kho chứa giày dép của cửa hàng giày dép dưới tầng 1 khu tập thể. Đám cháy bùng phát dữ dội diễn ra khiến hàng trăm cư dân hoảng loạn sơ tán. Ít nhất 7 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ phòng cháy chữa cháy được huy động để dập lửa và giải cứu người mắc kẹt: "Tôi ở trên tầng ngạt khói gần chết. Nhà không có cửa thoát hiểm, cầu thang như ống khói hút lên, không ra cửa ra vào được. Cứu hỏa phải cắt chuồng cọp để đưa chúng tôi ra".

Khi đó, nhờ lực lượng cứu hỏa có mặt kịp thời nên đám cháy lớn đã được khống chế, 20 người dân còn mắc kẹt trên các căn hộ được giải cứu. Thế nên thương vong đã không xảy ra.

Đó không phải lần đầu tiên khu tập thể Thanh Xuân Bắc xảy ra cháy lớn và cũng không phải lần cuối cùng. Năm 2020, một đám cháy bùng lên tại căn hộ tầng 5, nhà D3 vào giờ tan tầm khiến lực lượng chức năng đã phải huy động 2 xe chữa cháy đến đây. Và mới đầu tháng 3 năm nay, người dân nhà B4 đã phải “cầu cứu” lực lượng chữa cháy khi phát hiện 1 vụ chập cháy tại căn hộ tầng 5.

Không chỉ khu tập thể Thanh Xuân Bắc mà nhiều khu tập thể cũ ở Hà Nội cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Bởi những khu nhà được xây từ vài thập kỷ trước đang xuống cấp nghiêm trọng, không có hệ thống báo cháy trong khi số lượng người sống trong những khu tập thể cũ khá đông, khiến cho lượng dây điện và thiết bị điện chằng chịt chồng chất lên nhau. Khi quá tải sẽ gây ra tình trạng cháy nổ toàn bộ cả khu nhà. Một số nơi đã được lực lượng chức năng trang bị bình cứu hỏa nhưng chỉ được 1-2 hôm sau, những bình cứu hỏa ấy đã “không cánh mà bay”. Đó cũng là hiện trạng ở khu tập thể mà chị Mai Lan Hương ở quận Đống Đa đang ở nhưng vì điều kiện kinh tế có hạn, chị đành “sống chung với lũ”.

Thiệt hại về người khi cháy nổ ở những khu tập thể cũ cũng rất cao khi ở những nơi này, người dân thường làm lồng sắt kiên cố để chống trộm. Những lồng sắt này kiên cố đến nỗi nhiều người đã ví nó với hình ảnh “chuồng cọp”. Không gian tù túng, lối vào nhỏ, hầu như không có lối thoát hiểm gây cản trở rất lớn đến công tác chữa cháy hoặc thoát nạn. Đại úy Nguyễn Danh Luân - Phòng Tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ – Bộ Công an cho rằng, khi xây dựng, ai cũng nghĩ đến phương án tối ưu hóa diện tích sử dụng của căn nhà và tính cả đến chuyện bảo vệ ngôi nhà của mình không bị kẻ gian đột nhập, thế nhưng nếu không tính kỹ thì lại “lợi bất cập hại” vì sẽ không có đường thoát khi cháy nổ xảy ra: "Rất nhiều gia đình với tâm lý sợ trộm cắp dẫn đến khi bảo vệ tài sản cố gắng làm chắc chắn để trộm cắp không vào được, không chỉ là xây dựng chuồng cọp mà còn làm cửa xếp, cửa sắt. Khi xảy cháy thì cơ hội thoát nạn vô cùng khó khăn. Nên xây dựng chuồng cọp nên làm cửa, có khóa. Chìa khóa chuồng cọp nên treo ở lối ra ban công và thông báo cho gia đình mình biết. Để khi xảy ra cháy không thể thoát theo cửa chính, chúng ta có thể thoát hiểm theo lối ở chuồng cọp."

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 5 năm trở lại đây, cả nước xảy ra khoảng 15.000 vụ cháy; trong đó, hơn 50% số vụ xảy ra tại khu dân cư, hộ gia đình; nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống an sinh của người dân. Vì thế mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Có như thế cảnh tang thương do cháy nổ mới không còn xảy ra.