Năm 2016, Nguyễn Việt Nam sáng lập Tired City. Sản phẩm mà nó tạo mang đầy cảm hứng Hà Nội và văn hóa truyền thống đất nước nhưng theo một cách đẹp lạ.
Chẳng hạn những cuốn lịch, viên pin, áo thun, postcard, tranh in… hình ảnh đều lấy cảm hứng từ sự dung dị về cuộc sống đời thường như là những món ăn truyền thống của người Việt, quán trà đá ven đường, cột đèn với hàng dây điện giăng ngang...
Không chỉ là những tác phẩm do chính mình tạo ra mà Nguyễn Việt Nam đã kết hợp với các họa sỹ để đưa tác phẩm tới đông đảo công chúng.
Đến nay Tired City đã cộng tác với hơn 300 nghệ sĩ, gần 1.000 artwork và dung dưỡng một cộng đồng sáng tạo gần 100.000 người.
Vẽ Tình yêu với Hà Nội
Phóng viên: Bạn sinh ra và yêu hay đến và yêu Hà Nội?
Nguyễn Việt Nam: Có một sự thật em không phải là người Hà Nội. Em sinh ra ở Thái Nguyên nhưng quãng thời gian em ở Hà Nội nhiều hơn quãng thời gian thuở bé của em.
Khi còn sinh viên em không giải thích được Hà Nội vì sao có một sự đặc biệt, bản thân em có một tình cảm rất riêng với nó. Nhưng sau khi đi du lịch nhiều nơi em thấy Hà Nội có một vẻ đẹp của một thành phố lâu đời, các thời kỳ chồng chéo lên nhau.
Chúng ta đi ngoài đường có thể thấy những căn nhà Pháp, nhà tập thể, xen lẫn những căn nhà ống hiện đại, các tòa nhà. Nhưng mà trong sự hỗn loạn đấy em luôn thấy một trật tự, luôn thấy con người Hà Nội có một sự chung dung, một sự hiền lành, có một sự để ý và có sự yêu cuộc sống theo cách riêng. Không quá vội vàng cũng không quá chậm rãi. Hay gọi là hỗn loạn trong trật tự mà chỉ có Hà Nội mới có.
Phóng viên: Sao một người trẻ cảm Hà Nội theo hướng hoài cổ lại có phần sâu hun hút như thế?
Nguyễn Việt Nam: Không biết có phải là do em học kiến trúc hay không, hay do xung quanh em đa phần là các nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu cho nên thường là mọi người sẽ hơi chậm hơn một chút.
Hồi sinh viên em phát hiện ra khi mình dậy thật sớm khoảng 4-5 giờ sáng, đi bộ lên trên Bờ Hồ, đi bộ xuyên qua các con ngõ thì thấy có rất nhiều thứ mà hàng ngày mình không nhìn thấy.
Ví dụ như những người chủ nhà trên phố cổ bắt đầu ra khỏi nhà quét rác, tỉa cây bên ngoài rồi một số người đi tập thể dục buổi sáng. Họ nói chuyện, trà đá với nhau và sau đấy khoảng tầm 7-8 giờ sáng thì đô thị Hà Nội như mình chứng kiến hàng ngày mới bắt đầu.
Em nghĩ là có rất nhiều thứ mà mình phải chậm lại để ý mình, hơi tách ra khỏi guồng quay bình thường thì mình mới thấy được các tầng lớp khác của thành phố mình đang sống.
Phóng viên: Mình là người sinh ra ở Hà Nội mình cũng rất yêu thành phố này nhưng mà lúc nào mình cũng cảm thấy thiệt thòi vì cảm xúc này chỉ để giữ lại cho mình mà không khoe được với ai. Các bạn có năng khiếu về hội họa, âm nhạc có thể biểu thị tình yêu của mình.
Nguyễn Việt Nam: Em cũng thấy là mình may mắn khi học kiến trúc, biết vẽ để biểu đạt cảm xúc của mình. Ví dụ như trong bộ tranh Tired City em có vẽ một bức tranh về Tháp Rùa mà toàn bộ xung quanh đều là nước. Em thấy là tại sao cả Hà Nội tất cả mọi người đều có thể đến được nhưng riêng Tháp Rùa thì không. Một cách nào đấy Tháp Rùa nó tương đối cô đơn trong lòng Hà Nội. Thì em cố gắng vẽ cảm xúc đó ra và đó là một trong những bức tranh em rất thích.
Nhưng em việc có cảm xúc là một sự may mắn rồi. Nếu mình cứ lao đi mà không chậm lại để thấy là cuộc sống nó đẹp thế nào thì sẽ rất là phí. Vậy thì việc có được cảm xúc là một sự may mắn còn việc biểu đạt ra hay là để người khác đồng cảm với mình có rất nhiều cách. Ví dụ chỉ đơn giản là đi uống cà phê, trà đá ở Hà Nội cũng là một câu chuyện của cảm xúc rồi.
Phóng viên: Lời khuyên của em là chị cứ yên tâm vì tình yêu của mình đi, đúng không? Chị có thể im lặng với tình yêu của mình cũng không sao cả?
Nguyễn Việt Nam: Chính xác. Năm 2021 em có tổ chức một cái gọi là thử thách minh họa. Thời gian đó là Covid-19, mọi người đều có những tổn thương nhất định về mặt tinh thần tài chính công việc và mọi người vẽ về Hà Nội trong tưởng tượng, trong suy nghĩ của mọi người.
Đây là một sự kiện rất thành công vì các tác phẩm gửi về rất nhiều và rất bất ngờ về nhiều khía cạnh khác nhau về Hà Nội được biểu thị trong đó.
Em thấy Hà Nội là một nguồn cảm hứng rất lớn mà chỉ cần gọi tên chỉ cần hô hào thì các bạn luôn luôn có sẵn các ý tưởng trong đầu.
Sáng tạo cùng thành phố mệt mỏi (Tired City)
Phóng viên: Tired City biểu thị cho thành phố mà bạn đang sống?
Nguyễn Việt Nam: Thực ra đây là tên bộ tranh của em vẽ về Hà Nội hồi còn sinh viên và sau đấy thì vô tình lại tên của Công ty luôn. Bởi vì khi thành lập và bắt đầu tiến vào thị trường, trưng những cái biển cửa hàng đầu tiên thì em nhận ra một điều Tired City là cái tên mọi người rất tò mò, nghe nó hơi mệt mỏi, nghe nó hơi buồn bã một tí. Nhưng sau khi tò mò thì mọi người thấy đồng cảm. Chăng hạn khi đi trên con phố Hà Nội, thấy thành phố này cũng mệt theo cách của nó. Nhưng nếu giả sử một ngày nọ chị đến Sài Gòn thì lại thấy là ở thành phố này lại nhanh quá, cũng lại mệt theo cách của nó.
Phóng viên: Từ cái tên rồi các bạn cắt nghĩa triết lý hoạt động của doanh nghiệp như thế nào?
Nguyễn Việt Nam: Hoạt động của Tired City là cộng tác với các nghệ sỹ sáng tạo.
Khi mình vào một phòng tranh, có rất nhiều bức tranh ở đấy đợi mình nhưng mà sẽ khoảng 1- 2 bức nó bỗng làm cho mình rung động, nó đang cố gắng nói chuyện gì đấy mình và nó đang đợi mình, thu hút mình. Thế là mình dừng lại.
Khi mà mình càng đứng nhìn lâu càng giao tiếp với tác phẩm đó mình, càng đọc tìm hiểu thêm về tác giả tác phẩm thì mình càng thấy cái sự đồng cảm, thấy cái sự rung động của cá nhân mình đối với tác phẩm. Vì thế, Tired City sẽ đưa các tác phẩm như thế của các nghệ sĩ đến được công chúng thông qua các sản phẩm gần gũi, đời thường.
Phóng viên: Mình biết rằng địa điểm giới thiệu sản phẩm của các bạn đặt ở trên các phố cổ Hà Nội và phong cách biểu thị cũng rất khác.
Nguyễn Việt Nam: Hiện tại Tired City đang cộng tác với họa sỹ rất trẻ. Chính vì thế, thế giới quan và cách thể hiện tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ cũng rất khác so với các tác phẩm nghệ thuật mọi người hay thấy tại phòng tranh khi đi dọc phố Tràng Tiền hay Đinh Tiên Hoàng.
Tác phẩm đã khác rồi, bản thân cái cách nhìn cuộc sống, cái cách biểu đạt, các ý tưởng của các bạn cũng rất khác. Vì thế, em đưa ra một cái quy tắc là các biển hiệu của Tired City phải khác nhau. Nó sẽ hòa vào các con phố mà cửa hàng đặt chứ không giống nhau hàng loạt.
Thứ hai là bên trong các cửa hàng thiết kế chìm xuống để làm nền cho các tác phẩm. Ví dụ như là người vào cửa hàng Tired City sẽ thấy đây là một cái áo của nghệ sĩ Dương Giáp mà sẽ không thấy cái tôi của Tired City quá lớn trong đó. Vì Tired City giống như một cái nền để cho các nghệ sĩ có thể nổi bật để mọi người biết đến.
Phóng viên: Con đường mà các bạn đang đi là độc đạo nhưng có bao giờ bạn thấy là nó đang hơi già trước tuổi, các bạn đều là những GenZ?
Nguyễn Việt Nam: Đây là một câu hỏi rất hay và em cũng chưa nghĩ về nó bao giờ. Nhưng em cũng sẽ cố gắng thử trả lời.
Công ty của em nó hơi “già” bởi vì chúng em làm tất cả mọi thứ với một sự tôn trọng. Để có sự tôn trọng đấy thì thường hay lui vào đằng sau. Vì thế mọi người có thể nhìn mọi thứ không quá vồ vập, hào nhoáng, không quá xông pha.
Thứ hai nữa là cửa hàng của chúng em đặt ở Hà Nội. Em thấy những cái gì mà nó càng chậm rãi càng cẩn thận càng tỉ mỉ thì lại càng bền lâu và lại thẳng hàng với thành phố này.
Chính vì thế những gì mà chúng em làm suy nghĩ hơi lâu một tý và làm nó cũng hơi chậm, hơi cẩn thận một tý. Nhưng đến bây giờ những thứ đấy nó vẫn tương đối thẳng hàng và em nghĩ nó còn bền vững thời gian rất dài nữa.
Phóng viên: Còn một yếu tố nữa, những sản phẩm của Tired City tồn tại nhiều năm như thế và đến giờ vẫn “hot” là vì các em nhận được sự đồng cảm của những người trẻ khác.
Nguyễn Việt Nam: Đúng là để mà “bán được hàng” thì nó là câu chuyện là cái mà mình đang tạo ra có giá trị với người sử dụng sản phẩm.
Lúc thành lập Công ty năm 2016, khi cửa hàng đầu tiên mở ra với 8 nghệ sĩ đầu tiên em rất là lo lắng. Liệu những cái mình đang làm, đang cho là đúng thì liệu có đúng thật không.
Thành công cần sự nỗ lực và cả rất nhiều may mắn. May mắn khi được mọi người đón nhận, còn góp ý cho mình là nên làm thế này thế kia.
Phóng viên: Để thành công thì có lẽ là một mình mình rất khó để đi trên con đường này, mà cần có sự kết hợp và đồng cảm của những cộng sự?
Nguyễn Việt Nam: Nghe hơi khoe nhưng mỗi ngày làm việc ở Tired City thì đều có một cái gì đó rất hay ho diễn ra hoặc là một cái sự kiện gì đấy hoặc là một bài học gì đấy.
Hiện tại em và có lẽ mọi người đều rất tự hào với tập thể mình đang có. Hồi Tết, bọn em có tổ chức 2 triển lãm cùng một lúc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hoàng Thành Thăng Long với sự tham gia của rất nhiều nghệ sỹ.
Ngoài ra, chúng em còn bán những quyển lịch và phần lợi nhuận gửi trực tiếp cho một Tổ chức cứu hộ trẻ em.
Điều đó để thấy với nguồn lực sáng tạo, làm việc tập thể thì bọn em có thể làm rất nhiều thứ không chỉ ở trong các lĩnh vực thương mại.
Có một Nguyễn Việt Nam
Phóng viên: Tôi không biết là ở Việt Nam có bao nhiêu cái tên trùng với tên của bạn?
Nguyễn Việt Nam: Có 2 kỷ niệm em nhớ nhất về tên của em. Đó là lúc em mua tên miền Việt Nam thì thấy có người đăng ký rồi nghĩa là hóa ra cũng có người khác trùng tên với mình. Nhưng trong các lần đi thi thì không có thí sinh thứ 2 luôn.
Phóng viên: Cái tên vận vào cuộc sống, bạn có nghĩ vậy?
Nguyễn Việt Nam: Em nhớ người ta bảo là cuộc sống thì chỉ có thể tiến lên phía trước và hiểu khi mà nhìn ngược lại. Mình chỉ cố gắng hết khả năng trong những gì mình làm được, làm thật chăm chỉ, thật đàng hoàng như bố mẹ dạy thì một ngày mình chợt nhận ra những điều mình làm rất giống với cái tên Việt Nam, đó là sáng tạo văn hóa, mình làm rất nhiều thứ liên quan đến đất nước, giới thiệt Việt Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Phóng viên: Có một điều nữa về Nguyễn Việt Nam đó là những năm em học kiến trúc. Vì sao em lại bỏ dở giữa chừng. Nếu ngày ấy ra trường, lấy tấm bằng cử nhân và đi làm cho một doanh nghiệp là một tương lai không tồi. Vì sao em rẽ sang một hướng khác?
Nguyễn Việt Nam: Mới hôm qua em gặp lại một người thầy của em, thầy Hoàng Thúc Hào. Lần cuối em gặp thầy chắc là 10 năm trước, thầy vẫn nhớ rõ về lứa của bọn em. Em học Khoa Kiến trúc Pháp ngữ của Đại học xây dựng, là khóa đầu tiên học Pháp ngữ.
Nếu bây giờ được lựa chọn lại thì em vẫn sẽ quay lại học kiến trúc là một môn học, một ngành học nghệ thuật tuyệt vời. Hiện tại để mà làm được Tired City hay tất cả những gì mà em đang làm là nhờ cái gốc tư duy, suy nghĩ của kiến trúc.
Kiến trúc là một bộ môn không thuần sáng tác nhưng lại cũng không thuần xây dựng mà nó là những câu chuyện bê tông hóa không gian. Như thầy em vẫn nói là nhà phải nằm trên đất, phải đúng với bối cảnh, với người sử dụng. Em thấy may mắn khi kiến trúc cho mình rất nhiều thứ cho đến tận bây giờ.
Nói về câu chuyện mà không hoàn thành đại học thì cũng rất khó để mà nhìn lại. Với suy nghĩ của một người đi làm nhiều năm khoảng hơn 30 tuổi như em bây giờ giải thích được hành động, suy nghĩ của Nguyễn Việt Nam hồi 20 tuổi thì thật khó.
Nhưng em nghĩ là thời điểm đó em có một sự tin tưởng nhất định vào bản thân. Em nghĩ là nó sẽ ổn thôi. Với sự tích cực tương đối có sẵn đó thì em nghĩ đấy là các thử thách tiếp theo dù nó là gì, dù mình học đại học hay là mình mở công ty hay là mình có các dự án này dự án kia thì nó cũng giúp cho bản thân mình rất nhiều động lực.
Phóng viên: Con đường phía trước liệu bạn có tham vọng nhiều hơn nữa?
Nguyễn Việt Nam: Thực ra Tired City chỉ làm 2 việc: việc thứ nhất là dung dưỡng, hai là lan tỏa cái lõi của sáng tạo văn hóa. Bọn em sẽ cố gắng dung dưỡng được càng nhiều càng tốt. Các câu chuyện sáng tạo và các nội dung về văn hóa, các nghiên cứu văn hóa lan tỏa mang đến với càng nhiều người càng tốt và với những cách khác nhau, có thể dưới dạng các sản phẩm vật lý hay là các triển lãm.
Cảm ơn Nguyễn Việt Nam với cuộc trò chuyện ngày hôm nay!
Xin mời nghe cuộc trò chuyện với Nguyễn Việt Nam - nhà sáng tạo, Giám đốc Tired City.