Đặt lịch làm việc với PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp thuộc Đại học Nông Lâm Thái Nguyên rất khó. Là bởi chị ít khi ở cơ quan, càng ít ở nhà mà phần lớn thời gian rong ruổi trên những cung đường thực địa. Nay Hà Giang, mai Lai Châu, rồi Sơn La, Lạng Sơn…, chưa một vùng rừng núi nào trên lãnh thổ Việt Nam dấu chân chị chưa đặt đến.

Một buổi sáng hiếm hoi giữa hai chuyến đi được xem như khoảng thời gian quý báu cho những câu chuyện về nghề, về những đau đáu với rừng Việt Nam. Phòng làm việc tầng 2 ở khu nhà khang trang của Viện Lâm nghiệp cửa đóng im ỉm. Vòng vòng tìm được chị đang ở vườn thực nghiệm, tỉ mẩn cắt tỉa cây giống.

“Kia là Ngọc Am, loài gỗ rừng được xếp vào dạng cực quý hiếm. Còn đây là loài thông đất được dùng để chiết xuất Hupper A cho việc chữa căn bệnh nhớ nhớ quên quên nhiều người đang mắc phải”- PGS-TS Trần Thị Thu Hà tự hào khoe.

Cách đây 2 năm, Viện được tài trợ để lai tạo nhân giống loài thông đất, một cây rừng dược liệu quý trên quy mô công nghiệp. Mỗi đoàn thực địa phải dành hai tháng ăn ngủ trong rừng để tìm ra những giống thông đất tốt nhất còn sót lại. Từ đó đến nay đã lưu trữ 37 xuất xứ khác nhau, kể cả từ Lào. Sử dụng các chỉ thị về sinh học phân tử, phân tích đa dạng di truyền và phân tích về hóa tính, PGS Trần Thị Thu Hà cùng các đồng nghiệp đã chọn ra 11 xuất xứ có hàm lượng Hupper A cao nhất và được đăng kí 11 đoạn gen trên ngân hàng gen thế giới.

Song song với nghiên cứu lai tạo nguồn giống cây rừng quý hiếm, TS Hà cùng các đồng nghiệp còn sản xuất và cung cấp khoảng 10 đến 20 triệu cây giống mỗi năm, góp phần tạo được màu xanh nhiều nghìn ha rừng trong nhiều năm qua. Đồng thời, Viện chuyển giao cho các tập đoàn, các công ty những giống tốt để phát triển rừng có hiệu quả kinh tế cao.

Niềm mơ ước hồi sinh cây thuốc quý dưới các tán rừng

Vốn sinh ra ở vùng núi rừng Nghệ An, tình yêu rừng đã nhen nhóm trong cô học sinh chuyên Lý thuở nào, để rồi TS Hà đến với rừng như một duyên phận, như một lẽ đương nhiên, cô đã chọn theo ngành Lâm Sinh của Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

Cô gái hơn 40kg, vai đeo ba lô với chiếc la bàn và tấm bản đồ đi thực địa giao đất giao rừng, ở vài tháng trời cùng cư dân tại những bản làng thậm chí ít người nghe tên. Thế mà rồi duyên nghề giữ chân để rồi những chuyến đi cứ dài thêm mãi, những công trình cứ nhiều thêm mãi. Nhưng trước mỗi khó khăn, gian khổ, hình ảnh về người dân vùng cao Hà Giang “cày trên đá” để trồng bắp như tiếp thêm động lực để chị cố gắng hơn nữa trên hành trình đã chọn.

Nhớ lại những tán rừng quê hương mình từ thuở bé, TS Hà có một ước mơ cháy bỏng, đó là làm thế nào để khôi phục lại đa dạng sinh học, làm sống lại những cây thuốc dưới tán rừng. Làm thế nào để kết hợp hài hòa, bài bản giữa bảo vệ rừng tự nhiên và tạo thu nhập từ rừng cho sinh kế người dân?

Đó là lý do để gần 3 chục năm qua, chị miệt mài nghiên cứu, bảo tồn, lai tạo và nuôi trồng, nhân giống nhiều loại cây gỗ, dược liệu quý. Những thành công của “bà mụ rừng xanh" đã làm sống lại nhiều cây rừng quý hiếm, đây cũng chính là dấu ấn đặc biệt nhất trong sự nghiệp của nhà khoa học Trần Thị Thu Hà.

Viện nghiên cứu đầu tiên dám buông “bình sữa ngân sách”

Sau khi theo học thạc sỹ tại Đại học Nông Nghiệp Na Uy, PGS.TS Trần Thị Thu Hà tiếp tục làm luận án tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Úc. Năm 2007 khi trở về và đảm nhận vai trò là người tiên phong sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (Nay gọi là Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm Nghiệp) thuộc Đại học Nông Lâm Thái Nguyên vận hành theo cơ chế tự chủ từ 2008 đến nay. Từ một trung tâm tự chủ một giám đốc 2 nhân viên hợp đồng bắt đầu một hành trình khởi nghiệp.

Một viện nghiên cứu mà dám buông “bình sữa ngân sách”- Chuyện chưa từng có trong tiền lệ. Để có nguồn vốn hoạt động, chị Hà thế chấp toàn bộ tài sản cá nhân và gia đình để có kinh phí xây dựng Viện từ những bước đầu tiên trên hành trình tự chủ. Cho đến thời điểm này, trải qua 12 năm, hơn 80 cán bộ công nhân viên ở Viện nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp đã tự chủ vững vàng.

Nhưng ít người biết, thành công không kém phần quan trọng của chị lại ở việc hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khoa học đầu tiên ở Việt Nam: Công ty cổ phần Lâm nghiệp và môi trường Việt Nam.Vốn do các cổ đông, nay là công ty cổ phần, Viện nắm vai trò cổ công chi phối toàn bộ về khoa học công nghệ. Đây là bước mở đầu cho hoạt động nghiên cứu chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm.

Từ 2017 đến nay, doanh nghiệp khoa học hoạt động hiệu quả tại Thái Nguyên và còn mở thêm hai chi nhánh ở tỉnh Hà Giang và Quảng Nam, biến được sản phẩm nghiên cứu khoa học thành sản phẩm có giá trị, có thể kể đến như đông trùng hạ thảo, các sản phẩm trà dược liệu, nấm ăn và dược liệu

Cán bộ công nhân viên ở Viện cũng như công ty cổ phần Lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam đều còn rất trẻ, gần một nửa là dân tộc thiểu số. Họ được tin tưởng và trao quyền để nỗ lực cống hiến cho khoa học, cho việc đưa sản phẩm của nghiên cứu phòng thí nghiệm ra thị trường, đem về nguồn thu góp phần xây dựng Viện đàng hoàng, to đẹp, ngày càng đầy đủ trang thiết bị hiện đại cập nhật thế giới cho công việc nghiên cứu.

Và chính tại đây, sinh viên, nghiên cứu sinh và tất cả những người có nhu cầu học tập, nghiên cứu về lâm sinh có thể tìm kiếm, nghiên cứu hàng trăm loài thực vật quý hiếm mà nếu bình thường phải trèo đèo, lội suối, băng qua các cánh rừng nguyên sinh mới có cơ hội tiếp cận. Viện Nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp trở thành lớp học mở với tất cả mọi người. PGS.TS Trần Thị Thu Hà bởi thế được nhiều người gọi thân mật: Làm nghề trồng cây và trồng người.

Những công trình khoa học đưa lại hiệu quả kinh tế cho xã hội, những cống hiến cho Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, hành trình tiên phong trong việc tự chủ của mô hình Viện nghiên cứu, PGS.TS Trần Thị Thu Hà hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng Kovalepkaia năm 2019.

Nhắc tới giải thưởng, nữ nhà khoa học rưng rưng: “ Khi làm việc, tôi chưa bao giờ nghĩ đến mình làm vì bằng khen, giấy khen. Giải thưởng đến với tôi rất tự nhiên, khi đến thì nhà trường thông báo. Thực tế mà nói, có một số người hỏi tôi là để được giải thưởng này, chị phải mất bao nhiêu? Tôi chỉ nói không đồng, không xu và đó là toàn bộ giá trị cuộc đời tôi”.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà cũng vinh dự đại diện cho ngành giáo dục về dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tại Hà Nội. Những ghi nhận xứng đáng cho người phụ nữ “…đến với rừng vì tình yêu màu xanh quê hương”.