Khi chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội còn nằm trên giấy, việc quyết định chọn xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) để xây dựng điểm đã dấy lên không ít nghi ngờ về mức độ thành công. Người dân Song Phượng thời đó vẫn chỉ trông vào lúa mùa vụ, nông nhàn không có việc làm, đường sá liên thôn, liên xã còn ngổn ngang, thêm nữa tâm lý mới sáp nhập về Hà Nội khiến người dân còn nghe ngóng.

Giờ đây, những con đường mới rộng thênh thang chạy từ trung tâm huyện về các xã, qua các cụm công nghiệp làng nghề như phản chiếu hình ảnh của một vùng ven đô ngày càng hiện đại. Về xã Song Phượng hôm nay, không ai nhận ra vùng đất khó khăn ven sông những năm về trước, ai cũng ngỡ ngàng bởi những con đường bích họa vui mắt, sạch sẽ, nhiều cây xanh và hoa... Không chỉ thế, cuộc sống người dân nơi đây khá sung túc với những mô hình kinh tế phát triển.

Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch xã Song Phượng cho biết, xã nhà đang hướng đến mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch kết hợp đẩy mạnh phát triển kinh doanh dịch vụ... với mục tiêu thiết thực hàng đầu là nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống nhân dân. “Tỷ lệ hộ nghèo đến nay không còn, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn đạt trên 80 triệu đồng/1 người/1 năm. Đời sống được nâng lên, các hoạt động tinh thần được chú trọng…”, ông Đức vui mừng chia sẻ.

Nhớ lại gần chục năm trước, trong khi chờ cơ chế từ thành phố, Song Phượng đã chủ động ứng tiền và vận động doanh nghiệp ứng trước vật tư (cát, sỏi, xi măng) cho nhân dân tiến hành làm đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, đường giao thông tại đây nhanh chóng hoàn thiện, tạo đà mạnh mẽ cho chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Đến nay, Song Phượng huy động được hơn 76 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.

Tính đến thời điểm hiện tại xã Song Phượng không còn nợ xây dựng cơ bản. Cả xã còn khoảng 100 ha đất nông nghiệp, đều đã chuyển sang trồng rau, hoa và cây ăn quả; không còn diện tích cấy lúa. Giá trị sản xuất mỗi héc ta canh tác của xã đạt trên 400 triệu đồng. Bên cạnh nghề nông, với lợi thế ven đô, người dân còn phát triển kinh doanh, dịch vụ; nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã hình thành.

Còn với xã Bích Hòa, một trong nhiều xã của huyện Thanh Oai, để đáp ứng đầy đủ 19 tiêu chí về nông thôn mới không dễ dàng. Vốn dành cho nông thôn mới giai đoạn đầu chưa nhiều, đầu tư dàn trải, đã khiến việc hoàn thành 19 tiêu chí tưởng chừng không thể thực hiện nổi. Với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, xã đã kiên trì hoàn thành từng tiêu chí và khi xây dựng được mô hình, huyện Thanh Oai đã mạnh dạn triển khai xuống nhiều xã khác, xác định xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển huyện thành quận, xã thành phường.

Ông Nguyễn Văn Biên, Chủ tịch xã Bích Hòa, Thanh Oai cho biết, bộ mặt xã hiện nay đã đổi thay nhiều, do có sự đầu tư của thành phố, của huyện. Đường liên xã, đường liên thôn được bê tông hóa, người dân được vui chơi, thụ hưởng văn hóa tại nhà sinh hoạt chung, việc tiêm phòng, vệ sinh môi trường được triển khai thường xuyên. Đời sống thay đổi tích cực hơn hẳn trước kia.

Đến nay, hạ tầng phục vụ các tiêu chí nông thôn mới đã được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, gắn với tiêu chí phát triển đô thị. 100% các trạm y tế đạt chuẩn, tất cả các thôn cụm dân cư đều có vườn hoa, sân chơi được lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời; hệ thống ao hồ, kênh, rãnh thoát nước được cải tạo đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư huyện Thanh Oai cho biết, năm nay huyện sẽ đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng cho con đường vành đai 4 Thủ đô đi qua Thanh Oai, đồng thời hoàn thành các công trình trọng điểm về nước sạch, y tế cho người dân trong huyện. “ Chúng tôi tin tưởng với sự đầu tư của thành phố Hà Nội, quê hương Thanh Oai sé đổi thay từng ngày”- Ông Ngô Mạnh Tuấn khẳng định.

Sau hơn 10 năm thực hiện nông thôn mới, đã làm "thay da đổi thịt" mọi mặt của khu vực nông thôn một cách toàn diện, trọn vẹn. Bức tranh nông thôn của Thủ đô Hà Nội đã có sự thay đổi tích cực, chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào cuộc sống, nhờ vào "ý Đảng lòng dân". Đây cũng là đích đến cuối cùng của chương trình xây dựng nông thôn mới mà Đảng và nhà nước ta mong muốn.