Nhằm đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới, tại Đại hội lần này, Đảng ta đề ra ba đột phá chiến chiến lược. Đó là tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Sau khi thảo luận và nghiên cứu, đại biểu các địa phương đều nhận thấy đây là quyết sách rất đúng “đúng” và “trúng” với định hướng phát triển của các địa phương.

Theo ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà kết quả từ việc tiếp thu ý kiến, tham luận của các cơ quan Trung ương. Chỉ có như vậy thì trong các dự thảo văn kiện mới nêu ra được những đột phá chiến lược vừa có tầm vĩ mô nhưng cũng rất cụ thể đến từng địa phương: "Chúng tôi thấy trong dự thảo báo cáo chính trị, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh xã hội nhanh, mạnh, bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh. Đây là vấn đề rất quan trọng. Cần có cơ chế chính sách để phát triển hạ tầng, sinh kế cũng như tạo điều kiện để những khu vực trọng yếu về biển đảo, biên giới, đặc biệt là đảo tiền tiêu có điều kiện phát triển kinh tế xã hội cùng với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân” - ông Sơn nêu dẫn chứng.

Nghiên cứu các văn kiện và báo cáo chính trị, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng nhận thấy những đột phá chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đề ra chính là mong muốn của Đảng bộ và người dân địa phương. “Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có Hậu Giang đang thực nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo an ninh lương thực. Đảng bộ và nhân dân chúng tôi mong muốn Trung ương nghiên cứu, có cơ chế phân bổ nguồn lực để khơi dậy sự phát triển của địa phương. Hậu Giang chúng tôi mong muốn đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông làm sao kết nối các địa phương, tạo hành lang cho Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển, đóng góp vào thành công chung của cả nước” - ông Châu bày tỏ.

Theo ông Châu, các đột phá chiến lược được đưa ra tại Đại hội XIII của Đảng không chỉ nêu cụ thể những điểm còn hạn chế, yếu kém của Hậu Giang nói riêng, đồng bằng Sông Cửu Long nói chung mà còn đưa ra các giải pháp khắc phục. Điểm mới chiến lược đột phá liên quan đến Đồng bằng Sông Cửu Long được đưa vào trong nghị quyết đó chính là cơ giới hóa và công nghệ cao. Điều này rất phù hợp với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vì đây là vựa lúa của cả nước, là nơi cho ra rất nhiều sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi, việc cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, việc đưa công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, hạn chế… Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng bổ sung nội dung này vào Nghị quyết là điều kiện thuận lợi cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung cũng như tỉnh Hậu Giang nói riêng trong định hướng phát triển.

Sau quá trình nghiên cứu, thảo luận, ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cũng khẳng định những đột phá chiến lược được nêu ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII rất “đúng” và “trúng” với tất cả các địa phương, trong đó có tỉnh Lào Cai. “Ba đột phá mà Trung ương xác định rất phù hợp với điều kiện của các địa phương nói chung. Mỗi địa phương sẽ lựa chọn thế mạnh của mình để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Lào Cai đang lựa chọn 2 lĩnh vực trọng tâm gồm kết cấu hạ tầng là giao thông, đô thị và hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số và phát triển thương mại dịch vụ. Đây là những lĩnh vực đột phá mà Lao Cai đã xác định” - ông Phong bộc lộ.

Như vậy có thể nói, ba đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra và thảo luận lần này đang rất đúng và trúng với định hướng phát triển của các địa phương. Xác định rõ và quyết tâm thực hiện các khâu đột phá này, chắc chắn các tỉnh, thành trong cả nước sẽ gặt hái thành công, góp phần tạo nên một Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc trong giai đoạn mới.