Đánh giá chung về những đóng góp của ngành công thương trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do đại dịch COVID-19 trong 10 tháng qua, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng 3,3%, cao hơn mức 2,7% của cùng kỳ năm trước, là động lực chính góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế; Xuất khẩu tiếp tục đạt mức xuất siêu, là điểm sáng với mức tăng rất cao 17,3% so với cùng kỳ; Nhập khẩu từng bước giảm nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. Ngành công thương đã cùng các địa phương cơ bản cung ứng kịp thời, khá đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, điện năng phục vụ sản xuất và đời sống người dân, ổn định giá cả hàng hóa; Khai thác các hình thức thương mại, các loại thị trường, góp phần tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản tới vụ cho nông dân trong hoàn cảnh giãn cách xã hội. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, đối tác nước ngoài xử lý kịp thời các vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; Giải tỏa kịp thời những ách tắc tại các cửa khẩu, bến cảng nhằm duy trì các hoạt động xuất, nhập khẩu, nhờ đó các doanh nghiệp có điều kiện khai thác, phát huy lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, duy trì thành quả xuất siêu”.
Ngành công thương đã có nhiều đề xuất tốt trong việc cùng các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh cả trong và ngoài vùng dịch; Đề xuất tiêu chí, điều kiện và quy trình mở lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong điều kiện bình thường mới. Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các khu, cụm công nghiệp cả nước. Kịp thời đề xuất Chính phủ 5 lần giảm giá điện cho các đối tượng ưu tiên.
Trong các phiên thảo luận tại Hội trường hai ngày qua, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến 2 nhóm vấn đề đó là lĩnh vực điện năng và bình ổn thị trường phân bón, vật tư nông nghiệp.
Với lĩnh vực điện năng, Bộ Công Thương đã tập trung tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo xây dựng Quy hoạch điện bảo đảm cân đối cung, cầu vùng, miền, cơ cấu các nguồn điện, cơ cấu nguồn và truyền tải, huy động được mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển điện. Trong đó chú trọng xây dựng thị trường phát điện và thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đến nay có gần 70% nguồn điện do tư nhân hoặc công ty cổ phần sản xuất. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh cũng được vận hành từ đầu năm 2019, đến nay EVN không còn là đơn vị duy nhất mua bán điện mà đã có thêm 5 tổng công ty trực tiếp tham gia mua bán điện trên thị trường. Bộ Công thương đang xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng. Bộ Công thương đã trình Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện cơ chế này từ nay đến năm 2025; Trình Chính phủ và Quốc hội cho sửa một điều của Luật Điện lực để tư nhân có thể đầu tư vào phân khúc truyền tải điện; Trình Chính phủ cơ chế điều hành thực hiện các dự án điện; Trình Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ cấp điện cho nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số và hải đảo.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ “Tôi chia sẻ với khó khăn của các chủ đầu tư và các địa phương có dự án điện gió chậm tiến độ. Tuy nhiên, giá fit là cơ chế giá hỗ trợ của Nhà nước, chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư. Việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá fit là không hợp lý, bởi không đúng với bản chất có thời hạn của chính sách hỗ trợ, gây bất bình đẳng với các dự án cùng cơ chế nhưng đã thực hiện đúng tiến độ. Hiện giá đầu vào các vật tư, nguyên liệu, thiết bị trong lĩnh vực điện gió giảm hơn so với thời điểm ban hành chính sách và tiếp tục có xu hướng giảm mạnh. Nếu kéo dài thời gian hưởng chính sách này có thể sẽ gây ra hậu quả về pháp lý, gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước và các đối tượng sử dụng điện. Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo quyết định của Chính phủ quy định về phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời theo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, điểm cốt yếu là cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư, xác định giá điện. Các nhà đầu tư sẽ đàm phán với EVN trong khung giá do Bộ Công thương ban hành. Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng khung giá điện gió, điện mặt trời làm căn cứ cho nhà đầu tư đàm phán với EVN trong thời gian tới”
Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ninh Thuận trong phát triển các dự án điện trên địa bàn. Về quy hoạch đã bổ sung thêm gần 24% công suất nguồn điện so với trước thời điểm dừng dự án điện hạt nhân. Một số đề xuất của tỉnh về phát triển năng lượng tái tạo, Bộ đã và sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trong mặt bằng chung của cả nước, trình Chính phủ xem xét quyết định. Trong giai đoạn tới, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo năng lượng sạch trong tương lai.
Đối với giải pháp bình ổn phân bón và vật tư nông nghiệp, là lĩnh vực luôn được Bộ Công thương chú trọng chỉ đạo, theo dõi, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời đề xuất, áp dụng nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất, qua đó nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn. Thời gian qua, giá phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là nhập khẩu và chi phí vận tải logistics tăng cao do giãn cách. Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng phân bón của thế giới tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng.
“Để khắc phục, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để có các giải pháp hiệu quả hơn trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm; đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng để mặt hàng phân bón được bổ sung vào danh mục chịu thuế VAT, giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Những quan tâm, đóng góp của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đối với ngành sẽ được Bộ Công thương tiếp thu và có những giải pháp khắc phục kịp thời, phù hợp; đảm bảo nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác của ngành, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân” Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ mong muốn./.