Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động tham mưu Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống được triển khai đồng bộ trên cả nước; nhiều phong trào phòng, chống rác thải nhựa được phát động thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.

Tại nhiều địa phương, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức cùng chính quyền địa phương đang có nhiều hoạt động thiết thực đẩy lùi tình trạng “ô nhiễm trắng” vùng biển bằng nhiều mô hình, việc làm thiết thực. Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) đã triển khai thành công Dự án quản lý rác thải tại tỉnh Nam Định, nhằm cải thiện việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải nhựa.

Bà Hồ Thị Yến Thu, Phó Giám đốc thường trực MCD cho hay: "Dự án mong muốn giảm thiểu rác thải, đặc biệt rác thải nhựa ra đại dương. Trong đó nguồn rác thải nhựa ra đại dương đến từ rất nhiều các hoạt động trên đất liền".

Những con sông, kênh rạch là cầu nối giữa đất liền và biển, do đó, việc kiểm soát rác thải tại các khu vực này đóng vai trò quan trọng. Qua dự án, MCD không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải ra đại dương mà còn nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường.

Trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, các tổ chức đã triển khai các sáng kiến hướng đến việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông. Bà Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng chia sẻ về một mô hình đầy cảm hứng về giảm thiểu và ngăn chặn rác thải nhựa tràn ra biển:

"Tôi ấn tượng với mô hình giảm thiểu túi ni lông của anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc một công ty tư nhân. Mô hình triển khai tới từng gia đình, kiểm toán số lượng cả ngày dùng túi ni lông như thế nào. Sau đó bắt đầu thay đổi giảm dần túi ni lông từ 1 túi, 2 túi...Ai cũng sẵn sàng làm" - bà Lý cho hay.

Tại bãi biển Đồng Châu, Tiền Hải, Thái Bình, các phong trào dọn rác diễn ra đều đặn, trở thành hoạt động ý nghĩa và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Khúc Thị Minh Hằng cùng các bạn trẻ địa phương duy trì lịch dọn rác mỗi tuần một lần, góp phần làm sạch bãi biển và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Không chỉ dừng lại ở những nỗ lực cá nhân, hoạt động này còn thu hút sự tham gia của nhiều du khách, tạo nên sức lan tỏa tích cực.

Hằng chia sẻ "Em sinh ra và lớn lên tại vùng biển. Từ nhỏ tới giờ, biển như một người thân, thành viên trong gia đình. Việc dọn rác ở biến giống như cách chăm sóc một người thân, góp phần bảo vệ biển quê hương. Em cảm thấy thực sự hạnh phúc".

Nhờ sự chung tay của cộng đồng và du khách, bãi biển Đồng Châu đang dần trở nên sạch đẹp hơn, trở thành điểm đến lý tưởng và góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển. Phong trào này không chỉ cải thiện cảnh quan mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người về trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Chị Lê Hoàng Oanh, một du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ rằng trải nghiệm dọn rác cùng nhóm bạn trẻ tại đây là kỷ niệm đáng nhớ: "Mình cùng nhóm bạn của mình đi du lịch trải nghiệm tại biển Đồng Châu. Chuyến đi này thực sự ý nghĩa khi mình được tham gia cùng mọi người trong hoạt động dọn rác ở bãi biển. Mong rằng những hoạt động này sẽ lan tỏa rộng rãi tới nhiều người hơn nữa".

Ngoài các hoạt động cộng đồng, giáo dục là một phương pháp lâu dài để tạo ra những thay đổi bền vững. Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Sao Ánh Dương Maple Bear Canada - Tây Hồ, Hà Nội, cho biết nhà trường luôn hướng đến việc truyền đạt cho học sinh kiến thức về bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường biển.

Bà Hoài khẳng định: "Chúng tôi luôn hướng học sinh biết tôn trọng mẹ thiên nhiên, biết sống và bảo vệ vì một tương lai vững bền. Gieo lời nói gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen...".

Nỗ lực vì một đại dương không nhựa đòi hỏi sự góp sức từ những hành động nhỏ của mỗi cá nhân đến những sáng kiến lớn từ các tổ chức. Từ việc giảm thiểu sử dụng túi nhựa trong sinh hoạt, tham gia các buổi dọn rác, đến giáo dục bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ... Khi tất cả cùng đồng lòng hành động, chúng ta có thể bảo vệ đại dương khỏi rác thải nhựa và xây dựng một tương lai trong lành, cải thiện chất lượng cuộc sống của con người./.