Hiện nay, tại nhiều địa phương như Quảng Nam, Lâm Đồng, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế... đang tích cực triển khai những mô hình hướng tới thông điệp “Nói không với các sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật”, với nhiệm vụ trọng tâm nhằm xóa bỏ tình trạng buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật, thúc đẩy các hành động bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên quý giá một cách bền vững.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết: “Những năm qua, tỉnh Quảng Nam tập trung làm tốt công tác bảo tồn loài. Ví dụ như bảo tồn sao la, bảo tồn voi, bảo tồn voọc chà vá… được các tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới đánh giá rất cao”.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á tiêu thụ nhiều thịt rừng và các sản phẩm khác từ động vật hoang dã. Nhu cầu tiêu thụ liên tục đối với các sản phẩm này dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã trong tự nhiên tại Việt Nam bao gồm những loài ăn cỏ lớn và mang lớn đặc hữu ở dãy Trường Sơn. Khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên thực hiện năm 2021 cho thấy khoảng 90% thú rừng bị săn bẫy trái phép được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, quán nhậu ở khu vực thành thị và số lần tiêu dùng thịt động vật hoang dã trung bình lên tới 7 lần/ năm/ khách hàng.

Những phát hiện quan trọng này đòi hỏi cần có những chương trình hành động cụ thể và quyết liệt ở các cấp, ngành để giảm tiêu thụ động vật hoang dã. Điều này cũng đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng về nguồn lực và truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã nhằm ngăn chặn và chấm dứt hành vi buôn bán động vật hoang dã và sử dụng thịt thú rừng.

Thành phố Buôn Ma Thuột triển khai mô hình “Thành phố Buôn Ma Thuột nói không với các sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật”, giai đoạn 2024-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với nhiệm vụ trọng tâm nhằm xóa bỏ tình trạng buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật.

Ông Lê Đại Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột khẳng định: “Ủy ban thành phố cam kết sẽ lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện triển khai đồng bộ quyết liệt giải pháp bảo vệ động vật hoang dã, trong đó chú trọng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền kêu gọi mỗi người dân, cộng đồng hãy nói không với thịt thú rừng, xây dựng lối sống có trách nhiệm với hệ sinh thái, bảo vệ các loài động vật hoang dã”.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đại biểu Quốc hội Khóa XV cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; đồng thời phổ biến, hướng dẫn, thực hiện các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, chỉ thị trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

“Tôi thấy đến thời điểm này hệ thống pháp luật của chúng ta hoàn thiện, chỉ còn vướng mắc bất cập chồng chéo trong quản lý nhà nước ở các cơ quan quản lý thuộc chính phủ, cần có những giải pháp để khắc phục tình trạng này” - bà Nguyễn Thị Lệ Thủy khẳng định.

Hàng nghìn bạn trẻ đã ký cam kết bảo vệ động vật hoang dã và đăng ký trở thành thành viên mạng lưới tình nguyện viên bảo vệ động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên. Chị Lê Hoàng Phương, một tình nguyện viên ở Hà Nội chia sẻ: “Khảo sát động vật hoang dã có những hoạt động xem xét, tìm hiểu những nơi có khả năng vi phạm về động vật hoang dã, thông qua số hotline 1800 1522 hoặc thông qua mail hotline@.fpt.vn”.

Trong bối cảnh vi phạm động vật hoang dã còn phức tạp, việc các địa phương triển khai mô hình “Nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật” là một trong những hành động thể hiện cam kết mạnh mẽ trong bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã tại Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái quy định của pháp luật./.