Ở nước ta ước tính mỗi năm có thêm 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường nhưng chỉ 20% trong số đó được tái chế. Việt Nam đang có nguy cơ trở thành bãi tập kết rác thải nhựa toàn cầu với nguy cơ tăng 200% trong năm qua. Lượng tiêu thụ nhựa trên đầu người qua mỗi năm đã tăng trung bình từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn 1990 -2018. Nhận thức được tác hại do rác thải nhựa đối với cuộc sống và sức khỏe của người dân, Việt Nam đã thực hiện nhiều hành động và đưa ra nhiều sáng kiến, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất và nhận thức của người dân trong cả nước. Á hậu Phương Nga, đại sứ của chương trình “Nói không với ống hút nhựa, hãy chọn ống hút giấy” cho biết về cách lựa chọn cho lối sống xanh, không sử dụng đồ nhựa. Với cô, đó là những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, dần dần hình thành thói quen nói không với đồ nhựa dùng một lần.

Từ hiệu quả của việc tuyên truyền không sử dụng đồ nhựa một lần trong cuộc sống, để thúc đẩy hơn nữa việc hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Chỉ thị số 33 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 491 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050… Đặc biệt, vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có quy định rõ về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông và môi trường cho biết, chiến dịch nói không với rác thải nhựa, nhất là ống hút nhựa sẽ được tiến hành trong hai giai đoạn. Trong giai đoạn 1, từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2021 chúng tôi sẽ phát động và dự kiến kêu gọi sự chung tay hành động của các đơn vị, các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành hàng cung cấp dịch vụ đồ ăn nhanh, các quán cà phê, các rạp chiếu phim, các quán trà sữa… những đơn vị đã và đang sử dụng số lượng lớn ống hút nhựa. Qua đó lan tỏa các thông điệp và truyền cảm hứng hành động tới người dân và cộng đồng, những nhà vô địch trong việc nói không với ống hút nhựa.

Còn giai đoạn 2 sẽ diễn ra từ tháng 8 đến hết tháng 12 năm 2021. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai các hoạt động phối hợp với ngành giáo dục và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để kêu gọi và phát động hưởng ứng tham gia nhân chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Đồng thời lan tỏa và đẩy mạnh phong trào nói không với ống hút nhựa trong các bạn trẻ, các bạn sinh viên trong các trường học trong cả nước.

Việt Nam đã tham gia tích cực và đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực để giảm rác thải nhựa đồng thời tiên phong thực hiện nhiều hành động cụ thể để giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Những hành động này của Chính phủ đã nhận được sử hưởng ứng tích cực từ người dân và các doanh nghiệp, trong đó Nestle là một trong những đơn vị tiên phong của chương trình nói không với ống hút nhựa, hãy chọn ống hút giấy như khẳng định của ông Binu Jacob, tổng giám đốc công ty Nestle Việt Nam.Bản thân Nestle Việt Nam đã được truyền cảm hứng khi chứng kiến Chính phủ Việt Nam thông qua các cơ quan ban ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và hướng đến việc loại bỏ ống hút nhựa vào năm 2025 với rất nhiều hoạt động tích cực. Giải quyết nạn rác thải nhựa cũng là một trong những ưu tiên quan trọng của Nestle và tầm nhìn của công ty là không bao bì nào kể cả bao bì nhựa bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải nhựa. Trong thời gian gần đây Nestle Việt Nam đã đạt được những thành quả cụ thể như là việc cho ra mắt chai thủy tinh Lavie, đi tiên phong trong việc sử dụng vỏ chai nhựa tái chế đồng thời đóng vai trò là thành viên sáng lập của liên minh tái chế bao bì Việt Nam.

Cùng chung tay bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa sẽ tạo thành một nét văn hóa của Việt Nam, thay đổi hành vi của mỗi người dân như chia sẻ của ông Võ Tuấn Nhân Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Nhân mong muốn mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng hành động với Chính phủ. Chúng ta không chỉ có chương trình này mà còn có thể có nhiều hoạt động và phong trào khác trên cả nước, lan tỏa sức mạnh của tinh thần đoàn kết cùng chung tay gìn giữ bảo vệ môi trường trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19. Việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kép bảo vệ môi trường và pòng chống dịch bệnh, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động, để đến năm 2025 tại các Trung tâm thương mại, siêu thị; các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch không còn sử dụng túi ni lông khó phân hủy (100% thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường). Cả nước giảm 50% mức sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần phục vụ cho mục đích sinh hoạt.