Tình trạng bạo lực học đường đã tồn tại từ nhiều năm nay, tuy nhiên theo thời gian thì mức độ phổ biến và nghiêm trọng có nguy cơ gia tăng. Vấn nạn này đã trở thành nỗi sợ và mối lo ngại đáng báo động của nhiều học sinh, phụ huynh và thầy cô, là nỗi trăn trở của toàn xã hội.

Nửa năm trôi qua, nhưng Lê Thị T, học sinh một trường phổ thông ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vẫn không thôi ám ảnh cảm giác bị các bạn học cùng lớp tẩy chay, chửi mắng. Không chỉ là nỗi đau về thể xác, những nỗi đau về tinh thần thật khó chữa lành, có thể đi theo T đến hết năm tháng cuộc đời: Em làm lớp trưởng cho tới giữa kỳ 1 các bạn bảo cứ tẩy chay em là không làm được, đến mức em sợ mạng xã hội và em không dám đăng hay chấp nhận lời mời kết bạn của bất cứ ai từ bên ngoài. Vì em sợ các bạn giả danh tiếp tục nói xấu, mắng chửi em – T nghẹn ngào tâm sự.

Với Dương Thị B, một học sinh cấp 3 khác cũng rơi vào hoàn cảnh bị bạo lực học đường. B không chỉ cảm thấy đơn độc do bạn bè cô lập mà thậm chí có lúc B còn nghĩ tới cái chết do căng thẳng tâm lý, bị xúc phạm ghê gớm. B đã phải nghỉ học một thời gian điểu trị tâm lý và chuyển trường để tìm kiếm môi trường an toàn hơn. B chia sẻ thêm Bạn ấy bảo em lườm bạn ấy, mà thực ra em không lườm. Hôm sau đi học bạn ấy túm cổ áo em kêu người tới đánh. Em chán nản việc học, lại bị vu oan rồi bị đánh nên em muốn bỏ học, bố mẹ em cũng rất buồn”.

Không ít nạn nhân của bạo lực học đường bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, luôn sống trong cảm giác sợ hãi, hoảng loạn như B. Những lý do để bạo lực học đường có thể tồn tại thì muôn hình vạn trạng như nói xấu, ghen tuông, hay đơn giản chỉ là đánh cho bõ ghét...Nhiều phụ huynh tỏ ra bất bình khi chính con mình lại trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Chị Nguyễn Thị H. ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xót xa nói: “Tôi đẻ con ra bao nhiêu năm trời chưa bao giờ đánh con một cái thật đau, hay nói nặng con một lời. Lúc nào cũng nhẹ nhàng bảo ban con ăn học, cháu cũng ngoan chứ có phải hư hỏng đâu mà giờ ra đường bị các bạn học cùng đánh như vậy”. Thậm chí, nhiều phụ huynh phải chuyển trường để tìm kiếm một môi trường học mới an toàn cho con em mình.

Nguyên nhân của tình trạng này đã được nhiều chuyên gia phân tích tại các cuộc tọa đàm, hội thảo...Thế nhưng bạo lực học đường vẫn không được ngăn chặn mà mức độ ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Giải pháp nào đưa ra để hạn chế bạo lực học đường? PGS.TS. Trần Thành Nam - Viện tâm lý Việt Pháp cho rằng cần có những thay đổi về mặt chính sách nhằm giúp các em học sinh tháo gỡ dần những vướng mắc, xoa dịu những bất ổn tâm lý và định hướng con đường đi đúng đắn. Chúng ta cứ cho rằng có chính sách là giải quyết được vấn đề, thế nhưng phải thực thi thế nào cho đúng, cho phù hợp. Nhiều trường học áp dụng các chương trình dạy về phòng chống bạo lực học đường, nhưng việc thực hiện vẫn còn hình thức. Các nhà quản lý cần lưu ý để có những hướng dẫn cụ thể nhằm hạn chế tình trạng này - PGS.TS. Trần Thành Nam khẳng định.

Theo bà Vũ Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, ngành giáo dục cần có một cuộc cách mạng thực sự, chú trọng bồi dưỡng thêm về kỹ năng sống, lối sống tích cực, xây dựng môi trường học thân thiện, trang bị cho các em ý thức bảo vệ mình và những người xung quanh, mạnh dạn nói không với bạo lực học đường. Bà Thúy Hà cho biết: Thời gian tới, ngành giáo dục đào tạo sẽ tăng cường chỉ đạo công tác giáo dục kỹ năng sống một cách sâu rộng và sát sao hơn. Thông qua các hoạt động trải nghiệm gắn với các chuyên đề thực tế, đồng thời mở rộng việc giáo dục nhằm giúp cho học sinh có môi trường phát triển toàn diện nhất”.

Hơn hết chính mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ đều phải là những người bạn đồng hành, giáo dục con cái không được phép gây tổn thương cho ai và dám đứng ra tố cáo những hành vi bạo lực học đường.

Đã đến lúc cần lên án mạnh mẽ bạo lực học đường và định hướng những giá trị tốt đẹp cho con em chúng ta. Gia đình, nhà trường và cả xã hội cần chung tay, đồng lòng loại bỏ bạo lực học đường. Bởi bất cứ khi nào, mỗi đứa trẻ cũng có thể trở thành nạn nhân của tình trạng này nếu không kịp thời ngăn chặn./.