Trong giai đoạn mới, nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người nông dân cần tiếp tục phát huy vai trò chủ thể để xây dựng nền nông nghiệp bền vững và xây dựng thành công nông thôn mới. Đây chính là nền tảng để Đảng và Nhà nước và toàn dân ta đặt ra một khát vọng lớn lao cho một thời kỳ phát triển mới, cụ thể đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ra đời từ tháng 6/2020, người nông dân ở Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Thanh Xuân (xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã đổi mới tư duy nhận thức về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa nông sản, xây dựng thương hiệu uy tín và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Lê Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thanh Xuân cho biết, bằng nỗ lực vươn lên, thay đổi cách nghĩ, cách làm, người nông dân đã thoát nghèo bền vững. “Người nông dân ở Thọ Thanh giờ đồng bộ cơ cấu một loại giống, trên mỗi cánh đồng là có 1-2 loại giống, tiện cho chăm sóc cũng như dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là việc thu hoạch đúng kỳ, đồng đều trên cánh đồng”.

Chính quyền xã Thọ Thanh và người dân đều hiểu rõ việc cần thiết phải xây dựng một thế hệ nông dân mới không chỉ phát triển về số lượng, mà cốt lõi phải tạo ra sự biến đổi về chất lượng. Trên cơ sở đó, HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Xuân đã phối hợp với UBND xã Thọ Thanh cùng doanh nghiệp là công ty ớt Hoài An chuyển đổi cơ cấu cây trồng với cây ớt. Năm 2022 đã chuyển đổi 25 ha với cây ớt xuất khẩu là cây ớt chỉ địa. Về sản lượng và hiệu quả tăng cao hơn nhiều so với cây lúa. Bình quân với mỗi xào, sản lượng từ 1-1,5 tấn, tương đương 7-10 triệu đồng. Bà con nông dân đã làm 2 vụ đông của năm 2021 và 2022. Sắp tới HTX có định hướng là tìm đầu mối liên kết với cây khoai tây để thay đổi cơ cấu cây trồng và cải tạo đất.

“Bản thân người nông dân phát huy vai trò chủ thể là tư liệu sản xuất, sự cần cù, chịu khó, tiếp thu những ứng dụng khoa học kỹ thuật... Tư duy của người nông dân so với những năm về trước thay đổi nhiều, nông dân thấy được khi tập trung chuyển dịch cơ cấu thì có hiệu quả kinh tế cao, giảm được chi phí, tăng năng suất” - Bà Lê Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thanh Xuân khẳng định.

Định hướng tới năm 2030 và nhiều năm sau đó nền nông nghiệp của nước ta chủ yếu vẫn sẽ là nền nông nghiệp của các hộ nông dân nhỏ. Nhưng không phải các nông hộ tự cung tự cấp mà phải là các hộ sản xuất hàng hóa quy mô ngày càng lớn. Theo ông Lê Hữu Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, để tạo nên sự chuyển đổi mới mẻ mang tính dài hạn và bền vững, chúng ta rất cần những thế hệ nông dân có tri thức mới, có kinh nghiệm thực tiễn theo phương châm tư duy toàn cầu, hành động địa phương.

“Chúng tôi tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, chuyển đổi các cây trồng truyền thống sang cây trồng hàng hóa. Mô hình liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp, bao tiêu xuất khẩu một số sản phẩm, chúng tôi thành lập 2 HTX chủ lực trên địa bàn xã” – ông Giang cho biết.

Những thế hệ nông dân mới ở Thường Xuân giờ đây phát triển toàn diện với năng lực sáng tạo, thông minh và kỹ năng canh tác nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, HTX nông nghiệp công nghệ cao ở xã Thọ Thanh đã tập trung phát triển chủ lực hai sản phẩm trong nhà lưới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết với công ty đường Lam Sơn và một số công ty để sản xuất dưa vàng theo hướng nông nghiệp sạch, thực hiện tưới nhỏ giọt, bón phân theo khoa học. Mặt khác, HTX sản xuất mía đồng bộ hóa công nghệ cao, từ cày bừa 5 khâu, thâm canh cây mía, mang lại năng suất, sản lượng cao, hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

Cùng với đó, việc chuyển dịch cơ cấu sở hữu đất giúp người nông dân giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cũng được nhiều địa phương tập trung thực hiện. Các nguồn lực đầu tư vào nông thôn được huy động mạnh mẽ, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, điện, giao thông, thủy lợi, khoa học công nghệ, chế biến nông sản...khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất. Bà Lê Thị Yến, người dân thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa phấn khởi khi nhìn thấy sự đổi thay của nền nông nghiệp quê hương: “Sản xuất nông nghiệp đều cơ giới hóa, có máy móc hiện đại, máy gặt, máy cấy máy cày, nhân dân làm nhàn, năng suất cao. Theo chủ trương dồn điền đổi thửa, đến nay các thửa ruộng nhỏ lẻ không còn nữa, tập trung lại một gia đình một thửa tập trung sản xuất, nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế”.

Giờ đây, người nông dân không chỉ thay đổi tư duy, nhận thức mới về vị trí, vai trò của mình, mà còn có kiến thức mới, trình độ khoa học công nghệ...góp phần phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong nền kinh tế thị trường. Theo ông Lâm Sỹ Tỉnh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, cần tiếp tục xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, thực sự đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

Nhằm phát huy quyền làm chủ của nông dân, bảo đảm cho phong trào nông dân phát triển, Ông Lâm Sỹ Tỉnh cho biết, Hội Nông dân xã Tân Quang đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp; vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư có trọng điểm... Hội Nông dân xã còn làm tốt vai trò cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với hội viên, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng có hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Nhìn lại chặng đường xây dựng nông thôn mới ở quê hương, những người nông dân như ông Lê Xuân Hóa ở thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên càng thêm trân trọng và nêu cao ý thức trong gìn giữ, xây dựng những thành quả: “Ý thức người dân chúng tôi rất tốt, nâng cao trách nhiệm bản thân, ví dụ cái nhỏ nhất như môi trường, rất tự giác, bà con nông dân thành lập tổ thu gom rác, để vào điểm chính. Sau đó cứ 2 hôm có tổ đến vận chuyển. Tôi thấy môi trường cải tạo rất tốt, so với cách đây vài năm là tuyệt vời”.

Phát huy vai trò nòng cốt của người nông dân trong xây dựng nông thông mới, quá trình thực hiện đã có nhiều hộ nông dân hiến đất để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn ở địa phương như gia đình ông Nguyễn Thiện Tam ở thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng. Với tư duy đổi mới và cùng hành động, tin rằng thế hệ nông dân mới sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển nông nghiệp bền vững, thịnh vượng, nông thôn văn minh, hiện đại./.