Tại Hà Nội, cách đây 15 năm cũng đã từng “rầm rộ ra quân” dự án phân loại rác tại nguồn bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, dự án cũng chỉ duy trì được một thời gian và không tạo thành nền nếp. Nguyên nhân do chưa có sự chuẩn bị đầu tư trang thiết bị đáp ứng sau phân loại; quy trình, công nghệ xử lý rác chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Và kể từ khi thực hiện Luật bảo vệ môi trường đến nay, sau gần 2 tháng, những vướng mắc đó lại vẫn tồn tại. Nhiều nơi người dân vẫn để lẫn lộn, nhiều địa phương thùng rác vẫn chưa phân loại và điều đáng nói là phương tiên thu gom, vận chuyển rác vẫn chỉ có một loại… những tồn tại này khiến cho việc phân loại rác tại nguồn mất đi ý nghĩa.

Theo ý kiến của những công nhân môi trường, việc phân loại rác tại nguồn nếu thực hiện tốt sẽ vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, hạn chế ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm, không khí…, bên cạnh đó tạo ra nguồn nguyên liệu thay thế và tạo nguồn điện năng… Phân loại rác tại nguồn mang lại đa lợi ích, nhưng sau một thời gian, câu chuyện phân loại rác vẫn còn bề bộn.

Nhiều địa bàn đã hạn chế xe rác để cố định, nhằm khuyến khích người dân đổ rác đúng giờ, đúng quy định, nhiều nơi ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm... đã xuất hiện thêm những nơi đổ rác ghi rõ rác tái chế và rác không tái chế giúp nhân dân tự phân loại, tất cả những hoạt động đó giúp cho hoạt động phân loại rác tại nguồn được thực hiện triệt để.

“Chúng tôi khuyến khích dân đổ rác theo đúng giờ, nếu không đúng giờ, xe thu gom rác đi, mà mang rác ra đổ sẽ có chế tài xử phạt”, ông Ngô Thế Anh, phó Ban quản lý công trình đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ.

Hai tháng triển khai, việc phân loại rác tại nguồn vẫn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Ở các đô thị lớn, rất khó áp dụng các hình thức phân loại do diện tích hẹp, mật độ dân số cao, kể cả dân số định cư và bất định cư. Những khu tập thể cũ, các khu chia tách căn hộ, cơi nới,… nhiều gia đình không sẵn sàng diện tích cho việc đặt thùng rác để phân loại. Ông Lê Văn Hùng, người dân sinh sống ở khu chung cư Nam Trung Yên, cho rằng, việc rác để lẫn, không phân loại đã thực hiện từ lâu, muốn thay đổi cũng khó. “Bao năm qua chung cư có phân loại gì đâu? Giờ bảo mọi người để túi riêng thì có nhà làm, nhà không …”, ông Hùng băn khoăn.

Có một số ý kiến cho rằng, người dân phân loại nhưng cơ sở thu gom lại dồn thành một. Nguyên nhân khách quan là nếu không dồn chung xe thì 3 loại rác phải có 3 loại xe chuyên chở khác nhau, gây áp lực cho giao thông. Còn tích hợp loại xe 3 trong 1 cũng phải có thời gian chuẩn bị và kinh phí đầu tư, hơn nữa, đơn vị thu gom cũng chờ thông tư hướng dẫn chung và hướng dẫn của địa phương để triển khai. Khi chưa có hướng dẫn, sẽ rất khó cho việc “chuyển mình” từ phía đơn vị thu gom.

“Giá xác định đối với chủ nguồn thải được tính theo khối lượng và thể tích ra sao? Túi để đo thể tích và công cụ để xác định cân nặng thế nào? Tài chính để trang bị túi, thùng phân loại ở đâu? Phụ cấp cho lực lượng tuyên truyền, lực lượng giám sát là từ nguồn nào? Không gian cho các điểm đặt thùng thu gom, trung chuyển?”, đó là những thắc mắc mà các công ty thu gom rác thải trên đia bàn Hà Nội hiện nay phải đối mặt như chia sẻ của ông Phạm Thiện Lộc, Giám đốc HTX Thành Công, đơn vị thu gom rác các huyện ngoại thành Hà Nội.

Hà Nội có 2 nhà máy đốt rác lấy điện, nhằm thay đổi từ công nghệ lạc hậu chôn lấp, sang công nghệ mới thân thiện với môi trường. Tuy nhiên nếu việc phân loại rác tại nguồn không thực hiện hiệu quả thì sẽ gây khó khăn cho việc xử lý rác thải. "Nếu rác không được phân loại về đến nhà máy, chúng tôi lại phải làm việc này… rác cứ để lẫn lộn thì việc đốt sẽ gặp khó khăn, nguyên liệu nhiều hơn, đốt không triệt để”, ông Đỗ Tiến Dũng, Phó giám đốc công ty đốt rác Thiên Ý ý kiến.

Trên thế giới, việc phân loại rác tại nguồn đã được thực hiện từ sớm và mang lại nhiều hiệu quả. Sau khi phân loại, rác có khả năng quay vòng, tái chế, trở thành nguyên liệu mới, theo bà Đặng Thị Kim Chi, chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, để rác trở thành nguồn tài nguyên thì việc phân loại rác tại nguồn có ý nghĩa rất quan trọng: “Thế giới họ thực hiện phân loại từ lâu rồi… đến giờ mình làm tuy muộn nhưng hiệu quả… rác cần phải là một nguồn tài nguyên, muốn như vậy thì phải phân loại rác tại nguồn”.

Việc phân loại rác tại nguồn muốn đạt hiệu quả, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý rác thải, chế tài xử phạt nghiêm minh đối với hành vi vi phạm. Hà Nội cần xem lại những cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải. Có như vậy rác phân loại từ nguồn, được thu gom đúng cách, xử lý triệt để mới thực sự hiệu quả