Chương trình nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc và giải pháp “Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức” của Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.

Đồng thời, cũng qua đây nhằm kết nối cộng đồng, kêu gọi sự chung tay hành động góp phần ngăn chặn tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác; thúc đẩy xây dựng môi trường không khói thuốc để bảo vệ sức khoẻ thanh thiếu niên, phụ nữ, trẻ em và cộng đồng nói chung.

Tại Lễ phát động, bà Đặng Cẩm Tú - Giám đốc trung tâm Vì sự phát triển Phụ nữ Bắc Trung bộ cho biết, trong những năm qua, các cấp, các đơn vị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, thông qua việc xây dựng nội quy, quy chế phòng và chống hút thuốc lá, thuốc lào tại cơ quan của Hội LHPN các cấp. Xây dựng khu vực không có người hút thuốc lá. Đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lào vào trong tiêu chuẩn thi đua của các cấp Hội.

“Chúng tôi kỳ vọng, thông qua hoạt động sẽ truyền tải được những thông điệp tích cực nhằm kết nối cộng đồng, kêu gọi sự chung tay hành động, nỗ lực thúc đẩy xây dựng môi trường không khói thuốc để bảo vệ sức khoẻ thanh thiếu niên, phụ nữ, trẻ em và cộng đồng. Từ đó góp phần ngăn chặn tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác”, bà Đặng Cẩm Tú nhấn mạnh.

Thông qua chương trình sáng kiến truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng, ban hành các quy định nhằm ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác, chung tay cùng hệ thống ngành y tế và cộng đồng trong công tác này.

Hoạt động có sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies, là đối tác chính của sáng kiến Bloomberg nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá trên toàn cầu với tầm nhìn và sứ mệnh vì một thế giới nơi tất cả mọi người đều được bảo vệ bởi hệ thống y tế bình đẳng và hiệu quả nhất.

Theo Ban tổ chức, sáng kiến truyền thông sáng tác vũ điệu “Smoke - free dance - Cuộc sống không khói thuốc” dành cho các cá nhân, nhóm không giới hạn độ tuổi, giới tính được triển khai đồng bộ tại Hội Liên hiệp Phụ nữ ở 63 tỉnh, thành phố và các trường đại học, cao đẳng trên phạm vi toàn quốc.

Ban tổ chức sẽ lựa chọn ra các sáng kiến có nội dung sáng tạo và kỹ thuật quay đẹp, có điểm tương tác cao trên Tiktok Vn0khoithuoc, có sức lan tỏa mạnh mẽ và thể hiện được một hoặc nhiều các thông điệp quan trọng của sáng kiến truyền thông.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện nằm trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới, cùng với Ấn Độ và Trung Quốc. Đặc biệt, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào được quản lý theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường Việt Nam còn xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới, trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha…

Để sản xuất các sản phẩm thuốc lá điện tử, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe và thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện.

Các sản phẩm thuốc lá mới này rất có hại cho sức khỏe của cả người hút và những người xung quanh, là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc nicotin, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Nghiêm trọng hơn, sử dụng thuốc lá điện tử còn gây tổn thương phổi cấp tính và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, như: ung thư phổi, ung thư vòm họng, bệnh tim mạch, đột quỵ…

Thống kê của WHO cũng cho thấy, Việt Nam có hơn 15 triệu người hút thuốc lá, mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người và con số này có thể tăng lên 70.000 người vào những năm tới.

Sử dụng thuốc lá không chỉ tập trung ở nam giới mà đã mở rộng ra các đối tượng là sinh viên, học sinh. Đây cũng được xem là con đường rất gần để giới trẻ “tiến đến” các loại ma túy tổng hợp khác.

Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ. Theo số liệu thống kê, ở lứa tuổi 13 – 15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá giảm rõ rệt từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đã gia tăng đáng kể, từ 2,6% năm 2019 lên 3,5% năm 2022.