Để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, Đảng và Nhà nước đã ban hành triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như để lộ lọt thông tin của người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm. Điều này dẫn đến việc cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa an tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngại góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm... Những ngày gần đây, việc cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B tố mình bị Ban Giám hiệu nhà trường trù dập vì chống tiêu cực đang gây xôn xao dư luận. Làm thế nào để cơ chế bảo vệ người khiếu nại, tố cáo, chống tiêu cực liệu phát huy hiệu quả trong chống tham nhũng? Phóng viên chương trình đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13:

PV: Thưa PGS.TS Bùi Thị An, chưa bàn đến vấn đề ai đúng, ai sai ở đây, nhưng qua sự việc này bà thấy gì từ việc cô Nguyễn Thị Tuất cho rằng mình bị trù dập khi đã lên tiếng tố cáo việc thu chi không đúng của BGH nhà trường?

PGS.TS Bùi Thị An: Tôi rất hoan nghênh việc Hà Nội đã ngay lập tức thành lập một đoàn thanh tra và thanh tra toàn diện sự việc này. Tuy nhiên xem clip này tôi thấy có điều cần bàn là Luật tố cáo 2018 đã nêu rất rõ phải đảm bảo an toàn cho người tố cáo, nhưng lại để sự việc lọt, lộ thông tin như vậy xảy ra. Tôi mong rằng Sở Giáo dục thành phố Hà Nội nên vào cuộc để xử lý và làm quyết liệt, vì giáo dục là vấn đề nhạy cảm cần được cả xã hội quan tâm. Về mặt hình thức thì tôi thấy việc để lộ người tố cáo như vậy là vi phạm Điều 4 của Luật tố cáo

PV: Vâng, theo bà thì hiện nay cơ chế bảo vệ người khiếu nại, tố cáo, chống tiêu cực liệu đã phát huy hiệu quả trong chống tham nhũng hay chưa? Vấn đề cần phải lưu tâm trong công tác bảo vệ người tố cáo là gì?

PGS.TS Bùi Thị An: Thực tế, không chỉ riêng Hà Nội mà trong khắp cả nước đã xảy ra rất nhiều sự việc như vậy. Để đảm bảo được chuyện này thì trước hết những người có thẩn quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại tố cáo phải là những người rất trong sạch, tuy nhiên trong quá trình thực thi vẫn còn những hạt sạn lọt vào làm cho Luật tố cáo không được thực hiện nghiêm chỉnh. Bản thân họ là người không trung thực khách quan nên khi giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng không trung thực khách quan. Tôi khẳng định là luật đã có tác dụng trong thực tiễn, tuy nhiên cần phải có cơ chế thực thi cho hiệu quả.

PV: Thưa bà, pháp luật đã có quy định đầy đủ, tuy nhiên các quy định này vẫn chưa phát huy đúng vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi của người tố cáo. Cũng nhiều sự việc người tố cáo bị lộ thông tin khiến cho cuộc sống bị ảnh hưởng không nhỏ. Bà có nghĩ công tác bảo mật thông tin người khiếu nại, tố cáo, chống tiêu cực liệu vẫn còn quá thấp hay không?

PGS.TS Bùi Thị An: Vâng, đúng vậy. Tại sao luật quy định rồi mà vẫn có hiện tượng lặp đi lặp lại, vấn đề đặt ra ở đây tôi cho rằng là việc thực thi pháp luật, những người quản lý trực tiếp sự việc. Họ có quyền hành nên nếu họ xử lý không thỏa đáng sẽ gây ra bất cập. Trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Tuất ở trường Tiểu học Sài Sơn B là rất đáng tiếc. Tôi cũng có suy nghĩ rằng là liệu cô Tuất có tố cáo sai hay không? Nhưng cô ấy đã 6 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua thì một là cơ sở ấy công nhận không đúng, hai là có sự không trung thực ở đây. Thực ra để trả lời câu hỏi này không khó, ở đây huyện Quốc Oai hoàn toàn có thể trả lời được. Còn bao nhiêu vai trò của tổ chức chính trị xã hội khác tại sao không vào cuộc được, ví dụ như Hội liên hiệp phụ nữ ở địa phương đâu tại sao không xác minh được chuyện này mà lại để xảy ra lâu như vậy. Nếu sự việc này là thật mà để xảy ra tình trạng giáo viên và học sinh như vậy thì tôi cho rằng đây là một điều cấm kị trong giáo dục.

PV: Trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng trước hết thuộc về người giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, đối với tố cáo hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thì việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định thẩm quyền giải quyết và chuyển đơn tố cáo về đơn vị để xác minh thì sẽ bất lợi cho người tố cáo?

PGS.TS Bùi Thị An: Vâng trước đây tôi cũng đã đề cập về vấn đề này khi đang còn đương nhiệm ở nhiệm kỳ Quốc Hội khóa 13, chẳng hạn như tôi tố cáo Chủ tịch phường gửi lên quận, quận sau đó lại gửi lại về phường thì người tiếp nhận chính là ông Chủ tịch phường. Đây là một điều rất bất lợi cho người tố cáo, cho nên cần có một cơ quan độc lập tách biệt ra để giải quyết vấn đề. Rất mong rằng Quốc hội hoặc Chính phủ trong những văn bản hướng dẫn thi hành Luật cần tính toán đến điều này và đưa ra cơ chế thực thi hợp lý. Chứ nếu tôi tố cáo người tham nhũng sau đó đơn lại được đi một vòng gửi về đúng người bị tố cáo tham nhũng để giải quyết thì hiệu quả kém. Nên có một cách khác hiệu quả hơn để đỡ mất thời gian và như vậy thì người dân sẽ tin tưởng hơn.

PV: Nhiều người còn lo ngại, không dám mạnh dạn tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, họ sợ ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như quyền lợi của mình. Họ sợ mình sẽ bị coi là cái gai trong mắt, bị trù dập, gây khó dễ, bị mất việc? Vì vậy nếu không làm tốt công tác bảo vệ người khiếu nại tố cáo, thì không thể nào chống tham nhũng được đúng không ạ?

PGS.TS Bùi Thị An: Trong ngành nào cũng vậy, cần phải chọn người đứng đầu đơn vị cho thật tốt. Ví dụ ở đây nếu đồng chí hiệu trưởng đó thật sự công tâm thì xử lý vấn đề này rất đơn giản. Trong chuyện này tôi không dám võ đoán nói ai đúng, ai sai, tuy nhiên đối với bất cứ sự việc nào cũng vậy, cần phải chọn người đứng đầu cho thật tốt. Nếu muốn Luật Tố cáo có hiệu quả, để mọi người gửi chọn niềm tin dám đứng lên chống tham nhũng thì cần phải chọn được những người đứng đầu đơn vị có đủ đức, đủ tài, có trình độ, thậm chí là nắm cả luật nữa, không thể nào gửi trứng cho ác được. Còn nếu không sẽ rất khó khăn.

PV: Vậy theo bà cần phải làm gì để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực?

PGS.TS Bùi Thị An: Đầu tiên là phải rà soát lại con người, những người lãnh đạo ở các cấp chính quyền, cơ sở. Trong Nghị Quyết Trung Ương đã nêu rất rõ công tác cán bộ là then chốt, nên phải rà soát toàn bộ, nếu ai không đủ tư cách thì cần phải loại ra. Nếu ai không đủ tư cách mà lọt vào hàng ngũ đấy thì chắc chắn nó sẽ đi chệch hướng và sẽ làm cản trở sự phát triển của Đảng của dân, của đất nước.

Thứ hai là cơ chế giám sát, cần công bố minh bạch tất cả những thông tin tiêu cực lên. Tất cả cái gì không phải là bí mật quốc gia, quốc phòng an ninh thì đều có thể công khai được. Rất mong từ Bộ chính trị đến trung ương đều phải quan tâm đến việc này.

PV: Bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo là một nguyên tắc cần được thống nhất xuyên suốt quá trình tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết tố cáo. Nếu chính những người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không tuân thủ nguyên tắc này thì sẽ không có một người dân nào dám đứng ra tố cáo các hành vi trái pháp luật, các vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội… do lo sợ bản thân và gia đình sẽ bị đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm, gây nguy hiểm, thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản. Một khi người tố giác tham nhũng, tiêu cực không còn đơn độc thì cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh và phát triển hơn nữa. Xin được cảm ơn PGS. TS Bùi Thị An.

Nghe cuộc phỏng vấn ngay dưới đây: