Theo Báo cáo về Tình trạng dân số Thế giới của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc thông qua khảo sát 14 quốc gia trên toàn cầu, cứ 5 người thì có 1 người cho biết họ sẽ không thể có được số con như mong muốn; hơn một nửa số người được khảo sát cho rằng các yếu tố kinh tế là rào cản chính đối với việc làm cha mẹ của họ; cứ 3 người thì có 1 người từng mang thai ngoài ý muốn; 40% người trên 50 tuổi nói rằng họ không đạt được quy mô gia đình mong muốn.
Chính vì vậy, thông điệp của Ngày Dân số Thế giới năm nay là: “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi” nhằm trao quyền cho các gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới và mở ra tiềm năng thay đổi dân số thế giới.
“Không thể có phát triển bền vững nếu thiếu đi quyền tự quyết về sinh sản. Chỉ khi đảm bảo quyền được lựa chọn sinh con của mỗi người thì mới thúc đẩy bình đẳng giới và mở ra tiềm năng của thay đổi dân số”. Ông Matt Jackson - Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh tại buổi Lễ mít tinh.
Pháp luật Việt Nam quy định “Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân trên cơ sở bình đẳng”.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, bà Đào Hồng Lan - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển cho rằng: “Pháp lệnh Dân số sửa đổi năm 2025 vừa được thông qua. trong đó, quyền tự quyết về sinh sản của cá nhân và cặp vợ chồng được tôn trọng, phù hợp với sức khỏe, điều kiện và hoàn toàn tự nguyện. Tinh thần này phù hợp với thông điệp của Ngày Dân số Thế giới năm nay”.

Từ năm 2006 đến năm 2021, nước ta đã đạt và duy trì mức sinh thay thế; duy trì mức độ gia tăng dân số phù hợp; quy mô dân số năm 2024 đạt hơn 101 triệu người. Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn, thách thức như: mức sinh giảm sâu và già hóa dân số nhanh, tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức cao; tình trạng mang thai và sinh con ở phụ nữ tuổi chưa thành niên có xu hướng tăng; Tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở khu vực Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc vẫn còn rất cao; tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế so với vùng thành thị, đồng bằng...
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bà Pauline Fatima Tamesis - Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo tiếp cận phổ cập với các dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng; hỗ trợ thúc đẩy các chính sách dân số toàn diện; mở rộng giáo dục giới tính toàn diện phù hợp với độ tuổi và dịch vụ thân thiện với thanh niên; tăng cường hệ thống dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho công tác lập kế hoạch và đầu tư.
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tái khẳng định cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật Dân số mới và triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035, thúc đẩy thực hiện mục tiêu “Trao quyền tự quyết về sinh sản cho cá nhân và cặp vợ chồng”./.