Niên giám thống kê năm 2023 cho biết, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nước ta là 27,2 tuổi, tăng hơn 2 tuổi so với năm 2019. Đáng chú ý, tại TP Hồ Chí Minh, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người dân TP.HCM là 30,4 tuổi. Kết hôn muộn đồng nghĩa với việc sinh con muộn.
Tuy nhiên, việc sinh con muộn sau tuổi 35 có thể dẫn tới nhiều hệ lụy đến sức khỏe sinh sản và tương lai của mỗi gia đình cũng như chất lượng giống nòi.
PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc gia, BV Phụ sản Trung ương cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, sau tuổi 35, khả năng sinh sản của phụ nữ bị giảm mạnh, nếu càng lớn tuổi, cơ hội mang thai càng thấp.
“Không chỉ khó thụ thai, chất lượng trứng của phụ nữ sau tuổi 35 cũng kém hơn so với người trẻ tuổi. Nếu như ở phụ nữ khoảng 25 30 tuổi thì tỷ lệ tạo thành phôi bình thường là 60-70% thì khi 35 tuổi số phôi mà bình thường chỉ còn khoảng 50% thôi; Đến 40 tuổi, tỉ lệ phôi bất thường có thể lên đến 80-90 %. Đấy là lý do tại sao cơ hội có thai của phụ nữ lớn tuổi kém đi, đồng thời nguy cơ thai chết lưu hoặc thai ngừng phát triển cũng cao hơn” - PGS.TS Hồ Sỹ Hùng nêu dẫn chứng.
Đồng thời, mang thai sau tuổi 35, thai phụ cũng có nguy cơ cao gặp các biến chứng trong thai kỳ như tiểu đường, tăng huyết áp, dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật, đe dọa tính mạng của cả người mẹ và em bé.
Đặc biệt, nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ. Nguyên do là mẹ càng lớn tuổi thì khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards...
Các hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới khuyến cáo, độ tuổi tốt nhất để sinh con của phụ nữ là trong khoảng từ 20 đến dưới 35 tuổi. Việc kết hôn và sinh con muộn sẽ để lại những hệ lụy rất lớn đối với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Ở nước ta tỷ suất sinh đang giảm mạnh. Nếu không duy trì được mức sinh thay thế (tức là là 2,1 con/phụ nữ) thì sẽ ảnh hưởng đến quy mô dân số, tăng nhanh tốc độ già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng. Mức sinh thấp và dân số già cũng sẽ tác động lâu dài tới các gia đình khi trong tương lai 1 người trẻ sẽ phải chăm sóc 4 người già.
Mặt khác, khi còn trẻ, nếu chúng ta chỉ lo phát triển sự nghiệp và mưu sinh mà bỏ qua cơ hội có thể mang thai tự nhiên và sinh ra những em bé khỏe mạnh, đến khi lớn tuổi, muốn sinh con thì lúc đó lại khó khăn và phải điều trị vô sinh. Điều đó gây ảnh hưởng đến kinh tế, tâm lý của các gia đình cũng như tạo thêm áp lực cho ngành y tế.
Để sinh con an toàn, khỏe mạnh, PGS.TS Hồ Sỹ Hùng khuyến cáo, các cặp đôi nên khám sức khỏe trước khi kết hôn để được đánh giá khả năng sinh sản cũng như xét nghiệm, sàng lọc các bệnh lý di truyền. Đồng thời, các cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con, khoảng cách giữa các lần sinh không quá xa.
Với phụ nữ mang thai sau tuổi 35, việc khám thai, theo dõi cũng cần sát sao hơn. Thai phụ nên thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện các bất thường nếu có và can thiệp kịp thời.