Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, năm nào Hà Nội cũng có ít nhất một đợt tổng ra quân, kiểm tra lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Thế nhưng sau mỗi cuộc tổng kiểm tra, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn liên tục tái diễn, thậm chí nhiều nơi còn nghiêm trọng hơn. Mặc dù lãnh đạo từ thành phố đến các quận, huyện đều thể hiện quyết tâm lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè nhưng khi mà ý thức của người dân chưa cao thì tồn tại này rất khó vãn hồi.

Nhiều tuyến phố của quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân..., tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn liên tục tái diễn. Tuyến phố cổ như Hàng Giầy, Hàng Chiếu, Hàng Tre..., phần vỉa hè vẫn liên tục bị các hộ kinh doanh chiếm dụng để bày bán hàng hóa. Khu vực này nhiều khách du lịch nước ngoài, và để di chuyển trong các tuyến phố này, họ chỉ còn cách đi xuống lòng đường.

“Họ lấn chiếm lâu rồi, đi lại qua đây rất khổ. Thi thoảng thấy đội trật tự phường, cảnh sát khu vực đi qua nhắc nhở, thì họ thu dọn vào một chút. Lực lượng đi khỏi là họ bung ra… nhắc không ăn thua”, bác Nguyễn Văn Dần người dân phố Hai Bà Trưng than thở.

Du khách phải đi bộ xuống lòng đường, đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông, khung cảnh phố phường trở nên lộn xộn, mất mỹ quan đô thị. Anh Tạ Minh Quân, một du khách đến với Hà Nội dịp lễ vừa qua cũng cảm nhận: “Xe cộ đi sát sàn sạt ngay bên cạnh khiến tôi cũng sợ. Nhưng đi trên vỉa hè có chỗ đâu? Nơi thì bày hàng, chỗ nào vỉa hè rộng thì họ để xe… nói chung mình cứ phải xuống đường mà đi thôi. Biết nguy hiểm nhưng không còn cách nào”.

Phần vỉa hè, gầm cầu đi bộ trên đường 70 cạnh cổng Bệnh viện K (tại xã Tân Triều, Thanh Trì), khu vực Hai Bà Trưng, Hàng Bài vẫn bị nhiều người chiếm dụng làm nơi gửi xe trái phép.

Đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, từ đoạn ngã tư giao với đường Nguyễn Trãi đến ngã tư Nguyễn Xiển - Kim Giang, hàng loạt showroom, cửa hàng sửa chữa mua bán ôtô… đỗ ôtô, xe máy tràn từ vỉa hè xuống lòng đường. Nhiều ôtô, xe máy dừng mua trực tiếp, không đỗ xe đúng nơi quy định làm cho phần đường trở nên chật hẹp, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Còn mạn phố cổ như Hàng Mã, Lương Văn Can… hàng hóa bày tràn ra đường khiến người dân không có chỗ mà đi. Nhưng khi hỏi tại sao lại bày hàng hóa tràn ra vỉa hè, họ “hồn nhiên” trả lời: “Nhà có tí mặt tiền, bên trong chật lắm, vỉa hè rộng nên tôi bày thoáng ra thôi, không ảnh hưởng người đi đường đâu”.

Chính quyền ở Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và xử phạt quyết liệt, những người chiếm dụng vỉa hè giữ ý thức được 3-4 tháng, sau đó đâu lại vào đấy.

Tại địa bàn quận trung tâm quanh hồ Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Những trường hợp dù là hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên đã vi phạm thì cán bộ phường vẫn quyết liệt xử lý đồng thời tuyên truyền để họ tránh tái phạm. Chế tài xử phạt đã có, lực lượng thực thi cũng đã triển khai, nhưng cứ hết các đợt ra quân thì trật tự vỉa hè Hà Nội đâu lại vào đấy. Không thể đổ lỗi cho việc mưu sinh mà che đi ý thức “kém” trong việc đảm bảo văn minh đô thị. Đến lúc Hà Nội cần quyết tâm hơn, có quy hoạch rõ ràng hơn để sớm trả lại sự thông thoáng vốn có cho vỉa hè, lòng đường đô thị.