Tọa đàm chuyên đề “Tiếp cận sinh thái và xã hội trong việc thúc đẩy đô thị bền vững và dung hợp” được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ kết quả nghiên cứu và trao đổi hàm ý chính sách và thực tiễn từ các thực hành tốt trong phát triển đô thị bền vững.
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, ông Lê Quang Bình, điều phối viên mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho rằng, để Hà Nội trở thành một thành phố đáng sống, trước tiên cần phải có nhiều không gian công cộng xanh để kết nối, "giải nhiệt" cho thành phố. "Đã gọi thành phố đáng sống tức là phải đáng sống cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho một nhóm hay một vài đối tượng nào riêng. Bên cạnh vấn đề sinh thái thì còn phải bàn đến vấn đề xã hội và dù là ai thì đều có thể dung hợp trong thành phố của mình. Khi làm bất cứ công việc gì thì cũng cần quan tâm đến mọi người, đến những điều nhỏ nhặt xung quanh, từ đó tạo ra văn hóa của sự quan tâm”.
Qua phần thuyết trình với chủ đề “Hiện trạng sinh thái bãi nổi giữa và ven sông Hồng khu vực Hà Nội”, TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã đưa ra những thông tin tổng hợp về kết quả của nghiên cứu khảo sát hệ sinh thái động thực vật và con người khu vực bãi giữa, bãi nổi sông Hồng do mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) phối hợp thực hiện. Từ đó cung cấp thêm nhiều thông tin thực tiễn, đánh giá khách quan để những người quan tâm có một cái nhìn tổng quan về thực trạng sinh thái và xã hội tại khu vực này.
Từ kết quả nghiên cứu khảo sát thực trạng môi trường và sử dụng không gian kiến trúc cảnh quan khu vực Bờ vở sông Hồng khu vực Hà Nội do mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống phối hợp với Đại học Xây dựng Hà Nội thực hiện, diễn giả - Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội cũng đã đưa ra các kiến nghị giải pháp về quản lý môi trường dựa vào cộng đồng, định hướng sử dụng không gian nhằm cải thiện môi trường sinh thái bền vững.
“Bờ vở là vùng đất ven sông Hồng được sử dụng như một hành lang thoát lũ, bảo vệ Hà Nội và đang bị ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước nghiêm trọng. Nhưng đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng cho phát triển không gian công cộng sinh thái ven sông nhằm thoả mãn nhu cầu hoạt động của cộng đồng dân cư. Giải quyết triệt để được vấn đề ô nhiễm môi trường của khu vực, từ đó đưa sông Hồng hồi sinh trở lại với vai trò trung tâm và là hành lang sinh thái có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội” - Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Còn TS Ngô Anh Đào, chủ trang trại An Nhiên (Hội An) thì mang đến những kinh nghiệm thực tiễn và các mô hình cải tạo không gian đô thị, phát triển vườn cộng đồng. Người tham gia đã có cơ hội mở rộng góc nhìn và tìm ra các giải pháp khả thi để thiết kế và quy hoạch đô thị theo hướng sống xanh, bền vững, kết nối cộng đồng dân cư và hòa hợp với thiên nhiên.
Các ý kiến tại buổi tọa đàm đều đi đến thống nhất, trong việc thúc đẩy đô thị bền vững và dung hợp, tính bình đẳng là vấn đề then chốt, phải có sự tham gia, kết nối của toàn cộng đồng thì hệ sinh thái mới bền vững. Thiên nhiên có thể tồn tại nếu không có con người nhưng con người sẽ không thể tồn tại nếu thiếu thiên nhiên.
Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm còn có Triển lãm Cuộc thi Ý tưởng thiết kế không gian khu vực bờ vở sông Hồng.
Trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên môn cũng như các tổ chức cộng đồng đã có nhiều sáng kiến và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển thành phố bền vững về môi trường và dung hợp về xã hội. Cụ thể, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang có những nỗ lực xanh hóa đô thị, ví dụ năm 2024 Hà Nội phấn đấu trồng mới 200.000 cây bóng mát. Việc cải tạo vùng bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng cũng là cơ hội để Hà Nội có thêm không gian xanh đô thị cho người dân Hà Nội.
Trong tiến trình phát triển này, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã kết hợp với Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội thực hiện khảo sát điều kiện môi trường và sử dụng không gian của người dân đang cư trú ở khu vực Bờ vở thuộc địa bàn phường Phúc Tân và phường Chương Dương, Quận Hoàn Kiếm, đồng thời tổ chức một số hoạt động tham vấn với các bên liên quan.
Báo cáo nghiên cứu phản ánh kỳ vọng của người dân về cách thức phát triển vùng Bờ vở một cách bền vững và giới thiệu một số kinh nghiệm tốt nhằm đóng góp vào mục tiêu phát triển đô thị bền vững của Hà Nội.
Những hoạt động này được thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam từ nguồn tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT).