Với hơn 52 km bờ biển, tỉnh Thái Bình có lợi thế lớn về phát triển kinh tế biển. Đây là nơi sinh kế của hàng ngàn người dân địa phương nhiều năm qua đồng thời tạo thuận lợi cho phát triển rừng ngập mặn, góp phần quan trọng đối với hệ sinh thái và môi trường, ngăn gió, sóng, bão cho vùng ven bờ.

Đặc biệt, việc địa phương thực hiện xác lập rõ vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là căn cứ quan trọng giúp tỉnh vừa hiện thực hóa khát vọng phát triển mở rộng không gian hướng biển theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vừa tạo cơ sở để tập trung các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn góp phần chung tay bảo vệ môi trường.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, trong gần 10 năm qua, tỉnh Thái Bình rất coi trọng công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế tạo sinh kế cho người dân ven biển.

Cụ thể, tỉnh Thái Bình đã xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng khoảng 2.000/4.300ha rừng để nuôi ong mật, nuôi vịt biển, tạo nông sản xanh, an toàn; xây dựng mô hình du lịch sinh thái dưới tán rừng tạo công ăn việc làm, gia tăng giá trị từ rừng.

Bên cạnh đó, Thái Bình thường xuyên trang bị các kiến thức về khoa học, sản xuất nông nghiệp bền vững, canh tác cây trồng và nuôi trồng thủy sản theo hướng giảm phát thải nhà kính và thuận theo tự nhiên tại các vùng cửa sông, bãi bồi để bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực được UNESCO đã công nhận; góp phần tạo việc làm, thu nhập bền vững cho người dân ven biển, ven cửa sông.

Đặc biệt, để phát triển kinh tế đi đối với bảo vệ môi trường ven biển, thời gian qua, việc duy trì, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn với bảo vệ môi trường với phòng chống thiên tai có sự tham gia tích cực của chính người dân nơi đây.