Việc phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo "Đóng góp do quốc gia tự quyết định" với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp.

“Tham gia thị trường tín chỉ carbon mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích môi trường và xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững”, PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện IDE cho biết tại hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon: Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững” tổ chức mới đây.

Việc tham gia thị trường tín chỉ carbon cũng tạo động lực cho các doanh nghiệp thực hiện biện pháp để giảm phát thải khí nhà kính, giúp chuyển đổi nền kinh tế trung hòa carbon. Đồng thời phát triển thị trường tín chỉ carbon giúp nhà quản lý có công cụ chính sách hiệu quả để thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp nhất.

Chia sẻ tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, theo Viện Thị trường Carbon thế giới, hiện có khoảng 73 cơ chế carbon, tính cả ở thị trường tự nguyện và bắt buộc, đang được vận hành ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Hiện, các cơ chế này đang phủ khoảng 23% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. “Trên bình diện toàn cầu, thị trường tín chỉ carbon là công cụ thị trường hiệu quả nhất giảm phát thải khí nhà kính một cách công bằng nhằm mục tiêu ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu khốc liệt hiện nay”, tiến sĩ Nguyễn Tú Anh nhận định.

Thị trường carbon triển khai tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tham gia vào nền kinh tế xanh. Theo tiến sĩ Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, thị trường tín chỉ carbon quan trọng, vì đây là nguồn vốn quan trọng, đóng góp tính minh bạch, cam kết hành động vì khí hậu và chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp, cách tham gia chiến lược vào thị trường carbon trong bối cảnh thực hiện “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” của Việt Nam.

Chia sẻ về lộ trình đẩy nhanh tiến độ triển khai giảm phát thải khí nhà kính, ông Điệp cho biết cần hướng dẫn, thúc đẩy việc kiểm kê doanh nghiệp. Lộ trình chia theo 02 giai đoạn, từ nay đến 2025 và từ năm 2026 đến hết năm 2030. Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê KNK cập nhật 2 năm/lần. Ông Điệp nhấn mạnh, “Tham gia vào thị trường carbon là bước đi chiến lược giúp doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu rủi ro môi trường mà còn tăng cường khả năng thích ứng với các quy định ngày càng nghiêm ngặt của thị trường toàn cầu”.

Còn tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cũng như tận dụng tiềm năng thị trường cũng như thị trường carbon, cần cung cấp cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp và tổ chức mua bán tín chỉ cácbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, từ đó thúc đẩy việc giảm phát thải và nghiên cứu, sản xuất năng lượng xanh, sạch.

Theo tiến sĩ Vũ Giao Long, Chủ tịch Công ty Cổ phần Quốc tế LDN, sự phát triển của thị trường carbon không chỉ đòi hỏi vai trò định hướng từ phía Nhà nước, mà còn là sự tham gia chủ động của cộng đồng doanh nghiệp - những người trực tiếp thực hiện các chiến lược giảm phát thải và thúc đẩy phát triển bền vững. Doanh nghiệp Việt cần chủ động và sẵn sàng tạo ra những gian hàng giới thiệu về carbon ngay trên sân nhà, mời gọi đối tác quốc tế tham gia và trao đổi một cách công bằng.

Tiến sĩ Vũ Giao Long khẳng định, nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ trong nội lực từ doanh nghiệp và định hướng rõ ràng từ Nhà nước, thị trường carbon sẽ khó phát triển thành một cơ chế mang tính thực tiễn cao. “Đây là cơ chế nằm trong chính chúng ta, là bài toán cần được giải từ nội lực phát triển của các doanh nghiệp”, ông Long nhấn mạnh,

Tiềm năng tín chỉ carbon của Việt Nam dồi dào nhờ hệ sinh thái rừng ngập mặn, nhưng quy định pháp lý còn thiếu đồng bộ khiến giao dịch carbon gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp khó tiếp cận tín chỉ carbon minh bạch và thiếu các cơ chế giám sát hiệu quả.

Để phát triển thị trường tín chỉ carbon thành công, Nhà nước cần khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp bằng các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng xanh và quỹ đầu tư xanh. Nhà nước cần định hướng, nhưng chính sự tham gia chủ động của doanh nghiệp mới là chìa khóa để biến thị trường này thành động lực thực sự, tạo ra một môi trường kinh tế xanh đầy tiềm năng cho Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp quyết tâm và nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng thị trường carbon một cách độc lập và bền vững./.