Cứ đến chiều 19 hàng tháng, nhóm phụ nữ lại xách bao, túi đựng rác vô cơ tụ tập ở điểm sinh hoạt cộng đồng ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành để bán. Bà Triệu Thị Vui cho biết, các loại rác vô cơ như chai nước ngọt, chai dầu gội đầu hay những thanh nhôm, nhựa… đã qua sử dụng, có thể bán ve chai, đều được các chị em thu gom về một nơi cố định. Số tiền thu được từ việc bán rác thải sẽ được góp vốn xoay vòng hoặc lập quỹ tiết kiệm. Từ khi mô hình này được triển khai, môi trường trong ấp cải thiện từng ngày. Việc tham gia câu lạc bộ còn giúp bà Vui quan tâm, sắp xếp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp.

Tuy mới thành lập được gần một năm nhưng câu lạc bộ “Thu gom rác vô cơ để gây quỹ” của phụ nữ ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành hoạt động khá hiệu quả. Chị Thạch Thị Saly ở ấp An Trạch cho biết, chị em được tập huấn, hướng dẫn về cách phân loại và xử lý rác thải. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, đến nay, việc thu gom rác đã trở thành thói quen hằng ngày.

Mỗi tháng, dù mỗi người bán rác thải vô cơ chỉ được từ 10.000 đến 20.000 đồng, nhiều nhất cũng chỉ là 40.000 đồng nhưng chị em vẫn tích cực tham gia, không chỉ vì tiền mà quan trọng nhất là môi trường tự nhiên không bị ô nhiễm. Số tiền bán được mỗi chị em giữ lại 10.000 đồng để tiết kiệm hoặc góp vốn xoay vòng, còn lại đóng cho Chi hội trưởng. Cuối năm, số tiền này sẽ được trả về cho chị em.

Đến nay, mô hình “biến rác thành tiền”, “thu gom rác vô cơ để gây quỹ” đã trải đều ở các ấp Phước Thuận của xã Phú Tân và các ấp An Trạch, Bưng Tróp và ấp Giồng Chùa A của xã An Hiệp, ấp Mỹ An của xã Thiện Mỹ... Mô hình này đã làm thay đổi tích cực ý thức của chị em phụ nữ vùng nông thôn trong bảo vệ môi trường. Chị Phạm Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Hiệp, huyện Châu Thành, cho biết, mô hình "biến rác thành tiền" đã mang lại 3 lợi ích lớn, đó là nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường nhờ xử lý rác thải, giúp chị em có số tiền tích lũy và tạo được cảnh quan môi trường sạch, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thông qua câu lạc bộ, chị em nhận biết và được phân biệt rác hữu cơ và vô cơ, biết tận dụng được rác hữu cơ ủ làm phân để bón cho cây. Bên cạnh đó là chị em biết tuyên truyền cho cộng đồng cũng như là những người trong gia đình. Mô hình “biến rác thành tiền” đang góp phần thay đổi ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu tác hại của rác thải vùng nông thôn.