Sáng nay (2/4), với số phiếu tán thành rất cao (92.92%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo kế hoạch, cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm, thảo luận và sau đó tiến hành miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước với ông Nguyễn Phú Trọng bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là nhân sự duy nhất được giới thiệu bầu làm Chủ tịch nước. Đây là lần đầu tiên đương kim Thủ tướng được giới thiệu để bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.

Theo thông lệ, các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ lần lượt được kiện toàn, nhưng do đây là lần đầu tiên Thủ tướng đương nhiệm được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước nên việc miễn nhiệm Thủ tướng phải được thực hiện trước khi miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm của người đứng đầu Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đều rất ấn tượng về những thành quả đã đạt được. Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu đã có một nhiệm kỳ thành công. “Các đại biểu Quốc hội chúng tôi và người dân rất trân trọng sự cống hiến của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Tôi phải dùng từ “lăn xả với công việc” để nói về Thủ tướng. Hầu như không thấy sự nghỉ ngơi của người đứng đầu và các thành viên. Phải nói rằng Thủ tướng hoạt động cả ngày thứ bảy và Chủ nhật, đi xuống các địa phương, đến các nơi để giải quyết những vấn đề tắc nghẽn”, ông Ngân chia sẻ. Cũng theo ông Ngân, Thủ tướng đã thể hiện được vai trò “đầu tàu” trong công tác quản lý cũng như khát vọng, quyết tâm mạnh mẽ trong việc phát triển đất nước. Thủ tướng luôn “nói đi đôi với làm”, đảm bảo tính minh bạch và quyết liệt trong hành động.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Hồ Chí Minh cũng tự hào về người đứng đầu Chính phủ trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua. Bà cho rằng, dưới sự chỉ đạo đúng đắn và quyết liệt của Thủ tướng, Chính phủ đã vượt qua khó khăn để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, XIII, sinh năm 1954, quê Quảng Nam, là cử nhân kinh tế.

Trước khi làm Thủ tướng, ông đã đảm nhiệm các chức vụ chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Chủ nhiệm thường trực rồi bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vào tháng 1-2011. Đến tháng 1-2016, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và tái đắc cử ủy viên Bộ Chính trị.

Tháng 4-2016, ông Phúc được bầu và trở thành Thủ tướng thứ 9 của Việt Nam tính từ năm 1945 đến nay.

Theo kế hoạch, trong những ngày tới, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao trong bộ máy Nhà nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm ổn định về mặt tổ chức và cán bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trước đó, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV và Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia với bà Nguyễn Thị Kim Ngân; bầu Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội và bầu 3 cấp phó của ông Huệ gồm các ông Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định.

Dự kiến 5/4, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước và giới thiệu nhân sự để bầu Thủ tướng mới thay ông Nguyễn Xuân Phúc