Khu vực nội thành Hà Nội có hơn 100 ao, hồ với tổng diện tích hơn 1.000 héc-ta. Nhiều hồ đã được nạo vét, làm kè, đường đi dạo, hệ thống thóat nước, cây xanh, đèn chiếu sáng, góp phần làm cho thủ đô đẹp hơn. Có thể kể đến như Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Trúc Bạch, Ngọc Khánh, Thiền Quang….Tuy nhiên, hiện nhiều hồ vẫn là điểm đen về môi trường. Khu vực hồ Hoàng Cầu, quận Đống Đa là một ví dụ. “Cái gì người ta cũng vứt xuống hồ, từ vàng mã cho đến bàn thờ cũ”, - một người sân sống lân cận hồ Hoàng Cầu than thở.

Khu vực hồ Hoàng Cầu nhiều thời điểm trong ngày còn trở thành “chợ tạm” của một số cá nhân với hoạt động bán gà, bán vịt. Theo ông Nguyễn Văn Tiến-nhà ở gần hồ Hoàng Cầu, đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm rác và không khí, nhất là mùi tanh, hôi ở khu vực này.

Tình trạng tương tự cũng thường xuyên xảy ra tại khu vực hồ Văn Quán, quận Hà Đông và hồ Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội…Chị Nguyễn Thị Hằng – công nhân của một công ty môi trường dọn dẹp tại khu vực hồ Văn Quán cho biết đã nhiều lần bắt gặp người dân xả rác. Chị nhắc nhở nhưng không hiệu quả “mình nhìn thấy người ta xả, mình nói mà người ta vẫn chối”.

Những con sông trong nội đô Hà Nội cũng ô nhiễm bởi rác và chất thải sinh hoạt từ các hộ gia đình. Điển hình là sông Tô Lịch. Mặc dù là sông tiêu nước thải của thành phố nhưng không thể vì thế mà người dân lại “ngang nhiên” đổ rác làm tắc nghẽn dòng chảy và gây thêm ô nhiễm. Chị Nguyễn Thị Nhuần, chủ quán trà đá và anh Lê Văn Hùng chủ hiệu cắt tóc ở gần Cầu Dậu, huyện Thanh Trì – nơi sông Tô Lịch chảy ra, cho biết hầu như ngày nào cũng có người mang rác ra ven sông đổ trộm. Công nhân môi trường không dọn xuể. Rác tồn đọng gây ô nhiễm.

Chịu trách nhiệm quét dọn tại khu vực Cầu Dậu, chị Nguyễn Thị V – công nhân Xí nghiệp môi trường đô thị huyện Thanh Trì cho biết, công ty đã cắm biển cấm đổ rác. Dẫu vậy, tình trạng đổ trộm vẫn tái diễn. Nhiều lần chị bắt gặp và nhắc nhở nhưng không nhận được phản hồi tích cực. “Mình bốc dọn hôm trước sạch sẽ, hôm sau lại đâu vào đấy, cứ như chưa dọn gì”, chị V bức xúc.

Nội đô là khu vực tập trung đông dân cư. Hệ thống hồ, ao và sông ngoài chức năng điều hoà, tiêu thoát nước còn là các điểm nhấn về cảnh quan. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các công ty môi trường, rất cần sự quan tâm từ phía chình quyền sở tại trong việc xử lý các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Điều quan trọng hơn là người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan ở những khu vực này.