Rác thải nhựa được hình thành từ rất nhiều nguồn khác nhau, từ các hoạt động trong sinh hoạt cho đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh… Với ưu điểm tiện lợi nên hầu hết mọi người đều ưa chuộng các sản phẩm từ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Đồng sáng lập, Phó Giám đốc Tổ chức GreenHub - Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh, chúng ta tiện một phút nhưng lại hại hàng ngàn giờ. Bởi lẽ, trong quá trình phân hủy, rác thải nhựa biến thành hạt vi nhựa. Với những hạt vi nhựa có đường kính nhỏ hơn 20 micro-mét thì có khả năng đi vào các cơ quan nội tạng. Hoặc kích thước nhỏ hơn 10 micro-mét thì hạt vi nhựa thậm chí còn đi qua được các màng tế bào và vào được hàng rào máu não… tác động đến hệ miễn dịch gây ung thư.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, mỗi năm trên thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ túi nhựa. Ở Việt Nam, mỗi năm thải ra ngoài môi trường khoảng 1,8 triệu tấn nhựa, trong đó có hơn 30 tỷ túi nilon và khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa đổ ra biển. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng sản xuất và tiêu thụ nhựa ở nước ta vào khoảng 5 triệu tấn năm 2015, trong đó 80% nguyên liệu sản xuất nhựa là nhập khẩu. Lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người năm 2019 là 41 kg/người và tăng dần theo từng năm.

Các chuyên gia môi trường thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, rác thải nhựa rất khó bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Mỗi loại chất nhựa có số năm phân huỷ khác nhau với thời gian rất dài, như chai nhựa phân hủy sau 450-1.000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100-500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm… Điều này ảnh hưởng rất xấu đến môi trường, thậm chí các chuyên gia còn cho rằng, chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ chìm trong biển rác nhựa và phải đối mặt với nguy cơ “ô nhiễm trắng” trầm trọng…

Rác thải nhựa, trong đó có túi nilon là mối đe dọa, gây ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người. Chính vì vậy, hiện nay đã có nhiều mô hình được triển khai ở các địa phương với mong muốn hạn chế việc sử dụng rác thải nhựa nói chung và túi nilon nói riêng. Một trong số đó là mô hình “Tổ phụ nữ sử dụng túi nilon thông minh” ở phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2015, Hội PN phường Quảng Phú triển khai làm điểm mô hình “Tổ phụ nữ sử dụng túi nilon thông minh” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và đông đảo của chị em hội viên. Từ một chi hội làm điểm ban đầu đến nay đã được nhân rộng ra các phường khác như Lê Hồng Phong, Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo.... Theo tính toán, từ khi thực hiện mô hình này, chị em phụ nữ trong phường đã giảm thiểu được khoảng 50% số túi nilon sử dụng trong gia đình thải ra môi trường.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Đồng sáng lập, Phó Giám đốc Tổ chức GreenHub - Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh cho rằng: “Để nhân rộng những mô hình thiết thực như của Hội phụ nữ phường Quảng Phú, tôi cho rằng cần phải có một hệ thống truyền thông rộng rãi đến các địa phương. Nếu 63 tỉnh thành đều có mô hình như vậy thì trong một khoảng thời gian ngắn thôi chúng ta có thể giảm được ít nhất là 50% lượng túi nilon đang thải ra ngoài môi trường bây giờ. Đấy là 1 con số rất là mơ ước mà Chính phủ cũng đang đặt ra”.

Tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống và môi trường là vô cùng nghiêm trọng, chính vì thế, mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mình bắt đầu từ việc giảm lượng tiêu thụ sản phẩm nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Điều này không chỉ tốt cho cộng đồng nói chung mà còn giúp nâng cao chất lượng sống và sức khỏe của chính chúng ta.

Mời nghe âm thanh tại đây: