Những ám ảnh

23h20 ngày 12/9, cuộc gọi từ phía cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến số hotline của nhóm FAS Angle với nội dung "Đội hãy đến hỗ trợ sơ cứu vụ cháy ở Khương Hạ". Nguyễn Văn Đại là người trực máy liền báo ngay cho Tòng Văn Cường và các tình nguyện viên đang trực ở Ngã Tư Sở. 10 phút sau, Cường và 2 bạn đội viên đến hiện trường vụ cháy.

"Lửa ngùn ngụt và khói đen bao trùm. Lực lượng chữa cháy đang giành giật từng không gian với giặc lửa. Tiếng gào khóc và kêu cứu vang khắp nơi"- Cường nhớ lại.

Cả Đại và Cường khi nhận thông tin đều chẳng nghĩ đến mức độ nghiêm trọng của vụ cháy. Ngay sau đó, Cường báo về và anh Phạm Quốc Việt - đội trưởng đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angle quyết định nhanh, tập trung toàn bộ lực lượng hơn 30 người ở 4 điểm gần vị trí cháy để ứng cứu kịp thời.

12h đêm, anh Việt nhanh chóng có mặt để phối hợp với lực lượng chức năng đưa ra phương án cứu hộ nạn nhân đúng, đủ và an toàn. Bình ô xi, bóng thở, sơ cứu bỏng, nước, thiết bị bông băng được tập trung đưa đến hiện trường nhiều nhất có thể.

Với kinh nghiệm hiện trường, anh Việt nhanh chóng chia đội thành 3 mũi: Mũi 1 ra phía sau tòa nhà hỗ trợ vì có người sẽ nhảy từ trên cao xuống; Mũi 2 là chuẩn bị trang thiết bị vật dụng như chăn, mền thấm nước. Khi tiếp cận hiện trường, tìm kiếm người bị nạn, lửa có thể cháy âm ỉ thì khoác lên người áo chống lửa tạm thời. Mũi 3 là chuẩn bị tinh thần đối diện với thảm cảnh trên tòa nhà. Anh Việt chọn những tình nguyện viên đang đi giày, trang phục đã được thấm nước, chống cháy, đội mũ bảo hiểm loại tốt, đeo găng tay, để tìm kiếm những người có thể có cơ may còn sống...

"Những gì chúng tôi thấy ngày hôm đó là một thảm cảnh" -anh Việt nói.

Người dân xung quanh bắt đầu mang sữa, chăn, quần áo hỗ trợ đội cứu hộ. Phía trên tầng cao, ánh đèn flash bật sáng vẫy vẫy ra hiệu cho người ở dưới. "Có những ánh đèn như rơi, gục xuống và tắt lịm là em biết họ đã không chịu nổi sức tấn công của khói và lửa" - Nguyễn Văn Đại kể.

FAS Angle thành lập năm 2019 bởi anh Phạm Quốc Việt. Nhóm ban đầu là tự phát với tinh thần "Không bỏ rơi ai cả", sẵn sàng có mặt hỗ trợ người bị tai nạn giao thông hay bất kỳ tình huống nào. Những thành viên tham gia đều được tập huấn kỹ năng sơ cứu ban đầu. Sự có mặt của nhóm cùng với lực lượng chức năng đã giúp việc cứu trợ diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.

"Đây là lần cứu trợ lớn nhất với nhóm tôi và chứng kiến nhiều người mất như vậy" - Việt nói và quay sang hỏi Cường: "Lúc đó mày run sợ muốn lùi bước không hả Cường?". Cường nhỏ hơn Việt 8 tuổi, trả lời: "Không bao giờ".

Đám cháy bất ngờ, nhóm vẫn mặc nguyên trang phục cứu trợ là đi giày/ dép, quần dài, áo cộc và bên ngoài là áo đồng phục của nhóm màu da cam.

"Anh cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã hướng dẫn em khi nào khó thở thì ngồi xuống thở hoặc chạy ra ban công chỗ thoáng để lấy khí trời" - Đại đã truyền kỹ năng này lại cho các bạn trong nhóm.

Ở nơi xung quanh ám màu than muội, sức nóng và mùi tử khí, Đại chỉ có thể chọn bất kỳ một chỗ trống nào để ngồi xuống thở chứ không tựa vào đâu cả.

"Mọi thứ là màu đen. Có gia đình, trên bàn ăn, chiếc lồng bàn vẫn đậy mâm cơm" - Đại nhớ lại.

"Cảnh tượng chúng tôi thấy nhiều nhất là bố mẹ ôm con vào lòng như che chở. Gia đình đông người thì thành viên nhỏ tuổi nằm dưới, xếp chồng lên dần dần, người cha ôm trọn cả gia đình. Họ ra đi cùng nhau khi đã vùng vẫy tìm sự sống trong biển khói đen kịt" - Cường kể lại.

Lấp lánh hy vọng

"Có ai còn ở đây không?", theo đó là tiếng gõ cộc cộc vào cánh cửa hay bất kỳ đồ dùng gì có thể phát ra tiếng động. "Chúng tôi cầu mong sẽ được phản hồi lại bằng âm thanh nào đó dù là yếu ớt" - anh Việt kể.

Chỉ cần một chút cựa quậy giữa không gian đổ nát đen ngòm cũng đủ mừng vì đó là tín hiệu của sự sống. "Phần lớn khi được đưa ra ngoài, họ thường rơi vào tình thế hoảng loạn, tay quơ quơ giữa không gian. Lúc đấy em nói rằng: anh/ chị đã được đưa ra ngoài an toàn rồi" - Đại kể, em ước có thể đưa được nhiều người ra ngoài hơn nữa.

Anh Việt nhắc nhở thành viên gõ vào vật dụng để tạo âm thanh, đồng thời phải tìm kỹ mọi vị trí: tủ lạnh, tủ bếp, tủ quần áo, nhà tắm, ban công, gầm giường...rất có thể họ đang ở trong đấy. "Không bỏ rơi ai cả, ngay cả con mèo" - anh Việt nói.

Cường kể rằng có những con mèo cũng tắt thở trong vòng tay chủ nhân, có con nhảy xuống từ tầng cao và được nhóm FAS Angle sơ cứu. Có 3 con mèo thoát ra khỏi đám cháy và chỉ có một con còn sống. "Em nghĩ chúng cũng hoảng loạn như chủ nhân và không phải chú mèo nào cũng may mắn thoát nạn" - Cường chia sẻ.

Những ngày qua, FAS Angle đã nhận được nhiều lời cảm ơn từ cộng đồng. Riêng Đại nhận được cuộc gọi của N - cô bé học lớp 8. N đã mất cả gia đình. Sau khi tỉnh táo, từ trong bệnh viện, N gọi đến tổng đài của FAS Angle để cảm ơn người đã cứu mình. "Những gì xảy ra không dễ quên, em mong bạn ấy có thể vững vàng sống tiếp" - Đại nói.

Những ngày qua, Hà Nội lại bao xiết vòng tay, mỗi người một chút gửi tới các nạn nhân trong vụ cháy. Số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng cùng với vật chất là các đồ dùng thiết yếu, lương thực để các nạn nhân ổn định cuộc sống phần nào.

Kỹ năng chưa bao giờ là đủ

Căn chung cư mini trong ngách 29/70, phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) từng là tổ ấm của 40 gia đình. Anh Nguyễn Công Huy (41 tuổi) là người đã cứu sống gia đình bằng chiếc thang dây trị giá 850.000 đồng được mua từ gần 10 năm trước. Biết không thể thoát được bằng cửa chính, anh yêu cầu mọi người trong gia đình chạy vào phòng tắm, làm ướt khăn mặt đắp lên mũi rồi lấy khẩu trang bịt bên ngoài tránh hít phải khói độc, sau đó lấy thang dây đã mua dự phòng và thả xuống từ cửa ban công. Câu chuyện của anh là nguồn cảm hứng cho lối sống biết trang bị kỹ năng và không chủ quan.

"Nếu ai cũng biết phòng và chuẩn bị kỹ năng tốt thì có lẽ tang thương sẽ không nhiều đến vậy" - Anh Phạm Quốc Việt, người sáng lập FAS Angle chia sẻ.

Vụ cháy vừa qua, một nhóm được gọi là tự phát nhưng đã tham gia hỗ trợ người bị nạn trong đám cháy như những người hùng thầm lặng. Đó là FAS Angle.

Trong y khoa, sơ cứu ban đầu sẽ quyết định sự sống chết người bị nạn. Bệnh nhân sẽ sống sót nếu sơ cứu kịp thời và đúng cách, hoặc ít ra cũng để lại di chứng ít nhất hoặc nhẹ nhất có thể. Sơ cứu kịp thời sẽ làm cho các chức năng sống bảo tồn, các chức năng sinh hoạt sẽ được phục hồi.

Các thành viên FAS Angle đã có một đêm không ngủ. Họ đã cùng với lực lượng phòng cháy chữa cháy, y tế, làm việc 7 tiếng liên tục cho đến khi chiếc xe cứu thương cuối cùng hú còi rời đi.

7h30 ngày 13/9, Đại vội vã trở về để đi làm. Mặt ai khi đó cũng như thợ hầm mỏ. Đại hiện là phiên dịch viên tại Đại sứ quán Nhật.

"Khoảng 8h trở về văn phòng của FAS Angle, tôi không ngủ được. Lúc đó tôi chỉ cầm điện thoại và trả lời tất cả tin nhắn, cuộc gọi của người nhà nạn nhân. Họ đang đi tìm người thân của mình" - anh Việt nói. Dù biết chắc người đó đã không qua khỏi nhưng anh cũng không dám trả lời thẳng. "Tôi nói họ đến bệnh viện Đống Đa, Bạch Mai hoặc bệnh viện Đại học Y để tìm. Nỗi đau quá lớn và không biết họ sẽ sống tiếp như thế nào?" - anh Việt trầm tư.

Để có thể lan tỏa kỹ năng sơ cứu đến với nhiều người, nhóm của anh Việt thường xuyên mở các lớp tập huấn. "Tôi sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, công ty...mở các lớp tại chỗ để nhiều người được học" - anh Việt bày tỏ./.

Mời nghe bài viết tại đây: